Có hai con đường từ Hà Nội lên Cao Bằng. Bỏ đường Bắc Cạn, chúng tôi chọn lối đi qua Lạng Sơn. Sau 4 giờ ôtô, thị xã Cao Bằng nhỏ nhắn hiện ra êm đềm như dòng sông Bằng Giang mùa nước cạn. Thị xã vùng cao không có những công trình kiến trúc đẹp, hoành tráng, chỉ có các bông hoa nhỏ nở trên những bờ tường đất khiến cho du khách phải lòng.
Chiều đến, mặt trời như một chiếc lòng đỏ trứng khổng lồ hạ thấp xuống những cánh rừng, nhuộm cả thị xã trong ánh hoàng hôn vàng óng và khi bóng tối mềm mại bắt đầu chầm chậm bò lên trên các mái nhà hai tầng thấp tè, có thể nghe rõ tiếng chim gì kêu quang quác bên ngoài cửa sổ nhà khách như một bà già lắm điều.
Từ Bản Giốc...
Đã 8 giờ sáng, sương mù vẫn như làn khói quấn quanh đỉnh núi, bồng bềnh trên các thung lũng nằm ven thị xã, chúng tôi lên đường đến thác Bản Giốc - biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Con đường làm dở đầy hố lở loét bởi xe tải nặng và cơn mưa rừng xối xả, khiến cho một con chó già phải nằm bệt xuống vệ đường thở dốc, còn chúng tôi lấy làm lạ là sao xương mình vẫn còn gắn vào được với nhau, nhưng cảnh sắc hai bên đường đúng là món quà đền bù xứng đáng: Một thế giới tự nhiên còn trinh nguyên trùng điệp những đỉnh núi cao xanh rì có các cây gỗ nghiến mọc trên đá, những vạt rừng lá đổi màu đỏ trong thung lũng và các thảm hoa mạch ba góc vàng mướt mát. Tất cả đều tươi mới trong sự bị bỏ quên!
Giữa cảnh non xanh nước biếc, Quang Hưng - một chàng nhà báo đa cảm - ngâm nga: “Nàng về nuôi cái cùng con, để anh đi trảy nước non Cao Bằng”. Thế rồi cuối con đường dài gần 100km, chúng tôi đã gặp được thác Bản Giốc nổi tiếng. Phải thôi! Giống như người đàn bà đẹp, thác phải xa xôi một tý, gian khổ một tý để đến được gần.
Sách Dư địa chí Cao Bằng viết rằng: Con sông Quây Sơn chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Bản Giốc, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) thì tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp xuống 35m tạo thành thác có 3 tầng. Càng đến gần thác, con người càng bị vẻ đẹp quyến rũ thân thiện của nó hút hồn.
Chúng tôi đứng ngây người dưới chân thác chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc tự nhiên tuyệt đẹp, mà chỉ thật ngốc hoặc thật có tài mới dám dùng chữ để mô tả nó.
Đám nhà báo vội vã bấm máy ảnh. Cô bạn đồng hành của tôi - người đã đến Mỹ ngắm thác Niagara nổi tiếng thế giới - ngồi bệt lên một tảng đá ước ao: “Giá mình có tiền dựng một cái nhà dưới chân thác nhỉ!”. Chậm rồi cô ơi, Saigontourist không có “giá mà”, họ đã quyết định xây một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp ngay tại Bản Giốc vào đầu năm nay.
Đã mất cả chiều ngồi chơi với thác mà vẫn khó rời chân xa Bản Giốc, mặc dù lòng đã thề rằng nhất định quay lại chốn này. Đi trên đám cỏ ướt để lên xe, còn nghe tiếng vọng của thác lan tỏa, bỗng thấy một sự rùng mình giá lạnh. Mạnh Hà - phóng viên thường trú của TTXVN tại tỉnh Cao Bằng - an ủi: “Vào Ngườm Ngao cũng đẹp lắm!”.
Đây là một cái động lớn nằm trong lòng một quả núi ở bản Gun (cách Bản Giốc 3km). Ngườm Ngao nghĩa là hang hổ.
Theo số liệu của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh năm 1995: Động dài 2.144m. Trong động là một thế giới mát lạnh, kỳ ảo, được nhà điêu khắc vĩ đại - thiên nhiên - sáng tạo với vô số những nhũ đá biến thành cô tiên nghiêng mình chải tóc, thành voi thành hổ, thành cột chống trời, có cả một tàu chở vàng như tôi tưởng tượng! Vòm hang lúc cao rộng như bầu trời, lúc nhỏ hẹp như đường xuống địa phủ. Điều tuyệt vời là càng vào sâu trong Ngườm Ngao càng đẹp, khiến chân du khách không mỏi.
Chúng tôi không dám so sánh Ngườm Ngao với các động nổi tiếng khác trong nước vì sợ động chạm đến lòng tự ái địa phương, chỉ nhớ Trung Thành - một nhà báo thích giang hồ, dân phượt chuyên nghiệp, lúc nào mặt cũng sạm nắng gió như sườn núi - cũng phải thốt lên: “Ối mẹ ơi! Cái động đẹp dã man!”.
Chiều muộn, bầu trời lấm tấm sương mù rồi đậm lại thành một cơn mưa nhỏ, thì thầm với vạt rừng cây hạt dẻ, chúng tôi buộc phải chờ sáng hôm sau mới đến Thang Hen - một chuỗi hồ (36 chiếc) rộng 30ha nằm trên núi (1.000m so với mặt nước biển) thuộc huyện Trà Lĩnh, cách thị xã Cao Bằng 30km. Đang vào mùa hè, Thang Hen không bao la như lời tán tụng của người dẫn đường (người ta có thể đi thuyền dọc theo chuỗi hồ dài hàng cây số, thăm các hang động sâu hàng trăm mét). Nước hồ màu xanh ngọc bích.
Ven hồ có hai con ngựa mắt hiền lành, ươn ướt, đứng gặm cỏ. Vài người nón lá ngồi câu trên những tảng đá. Một con thuyền nhỏ đang bơi xa bờ, chở người vào rừng hái cây lá thuốc. Bao quanh hồ là 200ha rừng già mọc nhiều loại dược liệu quý. Không gian trong lành, tĩnh mịch. Hoa cúc quỳ mọc cạnh hồ lắc đầu nhè nhẹ với làn gió thổi từ phía rừng về mang theo tiếng chim cãi nhau trong các vòm lá.
Chủ nhà dọn cơm trưa trên nhà sàn. Thức ăn có rau ngót rừng nấu cá sông Gâm, rau bò khai (nếu mời khách quý thì chủ nhà gọi là rau dạ hiến) xào thịt lợn đen Cao Bằng, xôi nếp nương nấu quả trám rừng ngon tuyệt! Chỉ mỗi thịt gà canh gừng là dai như thịt quạ già. Tráng miệng có bánh bột nếp gói lá vả non, nhân bằng trứng loài kiến hắc mã nghi, hạt dẻ Trùng Khánh nướng giòn. Người Cao Bằng có rượu ngâm cây thuốc “thất diệp nhất chi hoa”, ai chưa được nếm uổng mất 1/3 cuộc đời!
Hoàn toàn tình cờ, trên đường về qua thị trấn Thuận Hòa, chúng tôi bắt gặp lễ hội dân gian “Cầu cho mưa thuận gió hòa và tạo dịp cho trai gái tâm tình giao duyên”. Vậy nên chẳng ngạc nhiên có rất nhiều nam thanh nữ tú của các dân tộc về đây tụ hội. Cô gái Tày tóc vấn ngang, chít khăn mỏ quạ, quần áo màu chàm, họ tự dệt, tự khâu tay, tuyệt đến nỗi mỗi bước đi làm sóng sánh từng sợi vải, còn chàng trai Nùng áo ngắn xẻ ngực, cài khuy vải tết hình quả sau sau.
Trên bãi đất rộng, trai Nùng thì hát sli, gái Tày lượn then, giọng ca mượt mà trong trẻo. Tôi không hiểu nội dung lời họ hát, chỉ thấy nhiều chỗ ư hừ như “nàng ới, nàng e” hay “ơ hớ, ơ hớ”. Chỗ hát, chỗ chơi tung còn, cờ người, diễn võ cổ truyền, tiếng hò hét bàng bạc sự quyến rũ. Trên sân chơi vắng trẻ con, những đứa bé mắt đen như 2 hạt mã não chỉ thích lẽo đẽo đi theo các đội múa rồng, múa lân hoặc ngồi chầu rìa quanh lò “phúng xoong” (thịt nướng).
Chúng tôi gặp 3 người đàn bà Nùng vấn khăn bỏ tóc đuôi gà. Họ nồng nhiệt rủ chúng tôi về Bố Tờ chơi, ăn mía. Bất ngờ một bà có nhiều răng vàng, nước da đỏ sẫm như quả mận vừa mới rửa, thản nhiên rút điện thoại di động Nokia ra gọi. Thế mới biết câu: ”Đời người ai cũng có số” là đúng, nhất là ở trong thời đại thông tin.
Đến Pắc Bó
Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thị xã Cao Bằng 40km. Từ lâu rồi tôi vẫn nghĩ Pắc Bó chỉ có giá trị lịch sử như là di tích cách mạng, ai ngờ lại đẹp thế. Chạy song song với con đường lát đá dành cho du khách có lá rơi rụng là suối Lê Nin. Dòng suối đầy ăm ắp nước, trong vắt, uốn lượn qua các tảng đá, tung bọt trắng xoá, chảy qua chỗ Bác Hồ ngồi câu cá, chiếc bàn đá nơi Bác dịch sử Đảng…
Không gian yên tĩnh nghe rõ tiếng chim đập cánh trong các vòm cây. Chiều xuống, người dân địa phương lùa trâu từ trên rừng về, con chó đi theo thỉnh thoảng dừng chân, sủa đàn cá liềng thản nhiên bơi lội, vì từ lâu rồi không ai bắt cá trong suối Lê Nin. Cảnh tượng như chốn thần tiên. Đêm 30 Tết, người Cao Bằng nô nức đến Pắc Bó để lấy nước suối Lê Nin như người xuôi đi hái lộc.
Cách Pắc Bó 2km là nhà tưởng niệm (đền thờ) Bác Hồ ở trên một quả đồi đất cao 50m (xung quanh toàn là đồi đá). Trước nhà là bãi cỏ xanh, trồng cây dã hương và các loại cây quý khác.
Để vào đền phải leo lên 169 bậc thang lát đá. Mặt đền hướng về phía nam, có dòng đại tự “Hồng nhật cao minh”. Bốn bức tường phía trong đền là các phù điêu mô tả ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, hình ảnh 34 chiến sĩ cách mạng đầu tiên, cây đa Tân Trào…
Hai bên tả hữu là chữ của Giáo sư Vũ Khiêu được nạm vàng: “Lãnh tụ trở về nhật nguyệt bừng lên trời Pắc Bó; Anh hùng tụ lại tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng”. Nội thất của đền giản dị như chính con người của Bác. Chúng tôi ra về, nhường chỗ cho một đám đông bên kia biên giới vào đền thắp hương.
Ông Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - nói: “Cao Bằng có khá nhiều hang động đẹp, hiện tại vẫn bị bỏ hoang cho sự cô đơn”. Đó cũng chính là bức tranh du lịch Cao Bằng.
Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, ảnh internet