Lang thang ngoại ô Sàigòn (P6)

(Tiếp theo) - Hết đường! Tuy nhiên không hết hướng đi. Trước đó, lúc vô đoạn đường cụt này thì bọn mình đã thấy một ngã 3 nhỏ sau cầu Bến Tranh. Vậy nên mình trở đầu xe lại và rẽ váo nhánh trái ấy.

< Nhánh rẽ trái sau cầu thế này đây, trên bản đồ thì là đường không tên nhưng nó vẫn là con đường liên ấp; tức là con lộ nối ấp này với ấp khác trong cùng một xã.

Do nơi đây thuộc địa phận xã Long Hậu nên cũng như 'truyền thống' trước nay của Dulichgo, mình sẽ có đôi dòng thông tin về vùng đất sông nước này.

< Tuy chỉ là con đường đất đỏ thôi nhưng không hề gồ ghề - tốc độ... vô hạn nhưng chắc chắn là khó ai dám chạy quá nhanh vì không muốn 'tắm ao'.

Long Hậu là một xã thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Việt Nam (Lưu ý: huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng có xã mang tên Long Hậu).

< Chuẩn bị qua cây cầu nhỏ, lúc này mới thấy bóng người chạy chiều ngược lại: anh này ở trần, phía sau chở theo vài thứ dụng cụ gì đó để bắt cá.

Xã Long Hậu nằm ở phía Đông Bắc huyện Cần Giuộc, ranh giới xã gồm:
- Phía Đông Bắc giáp xã Long Thới huyện Nhà Bè.
- Phía Tây giáp xã Tân Kim.
- Phía Tây Nam giáp xã Phước Lại.
- Phía Tây Bắc giáp xã Đa Phước huyện Bình Chánh.
- Phía Bắc giáp xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè.

< Hai bên con lộ nhỏ rợp bóng cây hoặc hồ, lạch... với những đoạn cong cong...

Xã Long Hậu có 5 ấp gồm ấp 1, ấp 2/5, ấp 2/6, ấp 3, ấp 4 - diện tích 20,212 km² với dân số khoảng 8.990 người, mật độ dân số trung bình là 445 người/km².

< Lại qua tiếp cây cầu nhỏ khác: cầu Thày Lý. Tên cầu có vẻ như là của một người địa phương nào đó đã xây cầu từ thời xa xưa?

Long Hậu - Cần Giuộc mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa và ảnh hưởng của đại dương nên độ ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao, biên độ nhiệt ngày và đêm giữa các tháng trong năm thấp, ôn hòa. Nhiệt độ cao nhất trong năm có thể đạt đến 40°C và thấp nhất 14°C. Nắng hầu như quanh năm với tổng số giờ nắng trên dưới 2.700 giờ/năm.

< Thi thoảng lắm mới gặp một xóm nhà có vài căn, có nhà cửa nhưng không gian vẫn thật yên bình.

Một năm chia ra 2 mùa rõ rệt tại Long Hậu:
- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, với tổng số lượng mưa chiếm từ 95 – 97% lượng mưa cả năm. Tổng lượng mưa bình quân 1.200 – 1.400 mm/năm. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9 và tháng 10.

< Nước ròng nên bầy vịt tung tăng trên bãi lầy để bắt cá tôm.

- Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, lượng mưa mùa nầy chỉ chiếm từ 3 – 5% tổng lượng mưa cả năm.

Ẩm độ không khí trung bình trong năm 82,8%, trong mùa khô độ ẩm tương đối thấp: 78%. Lượng bốc hơi trung bình 1.204,5 mm/năm. Chế độ gió theo 2 hướng chính: mùa khô thịnh hành gió Đông Bắc, mùa mưa thịnh hành gió Tây Nam.


< Lại vượt cây cầu nhỏ khác: vùng sông nước mà, kênh rạch nhiều lắm. Tình từ cầu Bến Tranh cho đến đây thì mình đã qua thêm 3 cây cầu nhỏ nhưng trong việc điều nghiên trước khi đi thì mình nhớ còn 1 cây cầu nữa.

Đây là vùng đất được tạo thành do phù sa của hệ thống sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ tạo nên. Địa hình Long Hậu mang đặc trưng của đồng bằng gần cửa sông, tương đối bằng phẳng song bị chia cắt mạnh bởi rất nhiều sông rạch.

< Nước ròng nên lộ bãi sình trên con lạch nhỏ, hai bờ lau sậy và dừa nước phủ đầy.

Một số khu vực thấp cục bộ là lòng sông cổ chưa được phù sa bồi lắng lấp đầy, cao độ chỉ 0,2 – 0,4 m. Công trình thủy lợi cống, đập Ông Hiếu với tuyến đê dài 11,85 km phục vụ ngăn mặn trữ ngọt cho trên 2.000 ha sản xuất lúa 2 vụ/năm nhưng hầu hết diện tích Vùng hạ chỉ thích hợp cho sản xuất lúa 1 vụ và nuôi trồng thủy sản.

< Rồi cây cầu cuối cùng trên con lộ cũng xuất hiện. Các cầu này đều vững chãi, tuy nhiên 2 mố cầu thường bị sụt lún, đất đỏ bị cuốn trôi đi một phần nên tránh chạy nhanh vì sẽ dằn xóc.

Đất mặn, phèn chiếm đa phần diện tích tự nhiên của xã nhưng đây lại là nơi trồng lúa thơm và lúa đặc sản (Tài nguyên, Nàng thơm, Hương lài – khaodawk Mali, …) cho chất lượng cao. Tại đây cũng là vùng nuôi thủy sản nước mặn – lợ (tôm sú, cá nước lợ, cua lột, …) có hiệu quả.

< Phía trước là con đường cắt ngang, mình đoán đấy đích thị hương lộ 34: con đường nối phía Bắc Cần Giuộc với xã Phước Lại, Long Hậu kéo dài đến xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè - TPHCM.

Phía Tây xã Long Hậu có một dòng sông khá lớn chảy xuôi về Cần Giuộc: đây là sông Cần Giuộc (còn gọi là sông Rạch Cát, sông Phước Lộc), một dòng sông nhỏ chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Đoạn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh của dòng sông này chỉ dài khoảng 500m ở ngã ba sông Chợ Đệm - Rạch Cát.

< Bọn mình rẽ trái vào hương lộ 34, đi hướng Cần Giuộc - đường thế này đây (vị trí tại đây).

Còn lại chảy trên địa phận tỉnh Long An, tiếp giáp nhiều kênh rạch của lưu vực sông Vàm Cỏ và huyện Bình Chánh, chảy qua địa phận xã Tân Kim, xã Long Hậu, Phước Lại, cắt ngang thị trấn Cần Giuộc tới địa phận xã Phước Đông, huyện Cần Đước đến cách sông Vàm cỏ khoảng 12.5 km thì dòng sông này tách thành 2 con sông nhỏ hơn: Một hướng rẽ ra sông Xoài Rạp, một hướng xuống Vàm Cỏ. Ngoài ra, nhánh chính của dòng sông này còn có chiếc cầu Rạch Cát bắc qua.

< Sau đó thì vượt qua cây cầu sắt lớn mang tên cầu Rạch Dừa. Đây là cây cầu trên hương lộ 34 nối hai bờ xã Long Hậu và Phước Lại thuộc huyện Cần Giuộc - Long An.

Xuôi dòng sông này, nếu đi theo phía Tây có thể ra sông Xoài Rạp, phía Nam ra sông Vàm Cỏ, phía Bắc ra sông Chợ Đệm, ra Kinh Đôi và từ đó ra sông Sài Gòn. Tính từ lưu vực sông Vàm Cỏ đến sông Chợ Đệm, tổng chiều dài dòng sông này khoảng 38 km. Có lưu vực vận tải khoảng 56 m³/s.

< Ghe tàu khá tấp nập dưới sông, vậy nhưng sông chưa lớn bằng sông Cần Giuộc dưới kia. Miệt sông nước: dòng sông chính là những con đường giúp hàng hóa lưu thông đến mọi nơi.

Dòng sông này còn gắn liền với trận đánh lịch sử giữa quân Pháp - Việt năm 1858, 'Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc' cũng là một tác phẩm liên quan đến dòng sông này do Nguyễn Đình Chiểu sáng tác.

< Qua bên kia cầu, vẫn là hương lộ 34 nhưng thuộc địa phận xã Phước Lại.
Con đường ni sẽ hướng thẳng về miệt Đông Bắc của thị trấn Cần Giuộc.

Huyện Cần Giuộc nói chung và Long Hậu nói riêng vẫn còn tồn tại những loại hình nghệ thuật cổ truyền như nhạc lễ, nhạc tài tử, múa lân, dân ca (hò đối đáp, hò cấy, hát lý), lò võ, bóng rỗi..., trong đó: ca nhạc tài tử còn tồn tại phổ biến nhất.

< Đường nhỏ thôi nhưng người và xe cứ đông dần, nhất là ở hướng ngược lại. Rồi đặc keng tới mức mình thất vọng, tấp vào lề phải để trở đầu xe lại: Về chốn quê nhưng đông đảo thía này thì chịu thua! Lúc này đồng hồ chỉ 7h sáng ngày 11.12.2013.

< Về nhà mới biết người dân Cần Giuộc nườm nượp người xe vào giấc ni do sắp vào ca làm việc: Long Hậu có khu công nghiệp cùng tên, khá lớn đóng trên địa bàn, cũng nằm trên đường Long Hậu nối liền vào ngã tư Long Hậu - Nguyễn Văn Tạo mà mình đã qua!

Đoạn trong ảnh này đã vượt qua ngã 3 vào khu công nghiệp Long Hậu nên đã bớt xe.

< Qua nhiều ruộng đồng, ao cá thì vào khu phố xá nhộn nhịp, nhà cửa san sát và khang trang hơn.

Long Hậu không có di tích lịch sử hay danh thắng gì nhưng các xã khác thuộc huyện Cần Giuộc lại có, tạm trích các địa danh như:
- Di tich lịch sử Khu vực “Rạch Bà Kiểu” ở ấp Lũy, xã Phước Lại.
- Di tích lịch sử Khu vực Cầu Kinh ở ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây.
- Di tích lịch sử Khu vực ”Ngã ba mũi tàu” ở xã Trường Bình.
- Di tích lịch sử Khu vực Cầu Tre ở ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông.
- Di tích lịch sử “Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình” ở ấp Trị Yên, xã Tân Kim.

< Sau đó qua cay cầu sắt mà bên kia là chợ, rất nhộn nhịp. Đây chính là cầu Rạch Dơi - bên này cầu đã là địa phận xã Nhơn Đức thuộc huyện Nhà Bè - TP HCM (vị trí cầu tại đây).

- Di tích lịch sử Đình Chánh Tân Kim.
- Di tích lịch sử văn hóa chùa Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc.
- Di tích khảo cổ học Rạch Núi ở ấp Tây, xã Đông Thạnh.
- Di tích kiến trúc nghệ thuật “Miếu Bà Ngũ Hành” ở xã Long Thượng.
- Di tích lịch sử văn hóa “Chùa Thới Bình” tọa lạc tại ngã ba vàm Rạch Dừa thuộc ấp Phước Thới, xã Phước Lại.
- Di tích chùa Thạnh Hòa...

< Chợ quê là chốn ưa thích của bà xã, vậy nên mình dừng lại. Mực, cá, tép, bông so đũa... là những thứ 'tậu' được khi ghé chợ Rạch Dơi.
Trong ảnh là bà cụ bán rau ở góc đường, dù lưng bà còng nhưng vẫn quản lý ngon ơ cả sạp hàng.

< Rời chợ, mình vẫn theo hương lộ 34 để đi, con đường này sẽ kéo dài qua cầu Rạch Tôm rồi nối vào đường Lê Văn Lương thuộc xã Phước Kiển.

Vậy nhưng dự tính của bọn này thì khác: cách chợ tầm 800m là ngã 3, bọn mình rẽ vô đường Long Thới - Nhơn Đức (vị trí tại đây); ảnh bên là ngoái lại chụp ngã 3.

< Đúng như tên gọi: đường nối liền 2 xã Long Thới và Nhơn Đức thuộc huyện Nhà Bè. Đa phần con đường rợp bóng cây xanh, mát rượi và ít xe.
Đường tốt do 2 bên đã được phân khu quy hoạch gồm Khu dân cư Long Thới - Nhơn Đức, Khu Trung Tâm Y Tế Kỹ Thuật Cao - Trung Tâm Y Tế Quốc Tế, Khu Làng đại học 1 và 2...

Về con đường này và tiếp nữa, bạn sẽ xem trong phần sau nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!