Ra Hòn Sơn nghe chuyện liêu trai

(ĐVO) - Hòn Sơn (Sơn Rái) không phải hòn đảo quá hoang sơ để những tay phượt thủ thử sức, nhưng nó quyến rũ khi được bao phủ bởi những câu chuyện đậm màu sắc liêu trai và đỉnh Ma Thiên Lãnh kỳ bí.

Hòn Sơn nhìn từ xa như một quả núi khổng lồ, nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 60 km. Để đến với Hòn Sơn, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng tàu cao tốc đi từ Rạch Giá với hành trình 1 giờ 45 phút với giá 140.000 đồng/vé; hoặc trải nghiệm cảm giác nằm võng lênh đênh trên tàu thường suốt 4 giờ với giá vé chỉ 70.000 đồng/vé.

Truyền thiết Sân Tiên trên đỉnh Ma Thiên Lãnh

Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau, các đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, nhưng Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Không chỉ cao nhất với độ cao khoảng 450m so với mặt nước biển, đỉnh núi này còn gắn liền với những câu chuyện thần tiên mang đậm chất thơ và cả những câu chuyện “ngày nay” đầy màu sắc “kiếm hiệp” được người dân đảo truyền miệng nhau.

Theo truyền thuyết ngày xưa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên nhiều tiên nữ thường xuống vui chơi tên gọi là Sân Tiên, là một bảo chứng cho câu chuyện đó.

Ngày nay, khi con người đến đây khai phá, trải qua hàng trăm năm, thỉnh thoảng có những tu sĩ và những kẻ buồn tình, sầu đời lên Sân Tiên tu thiền. Họ ẩn cư trong một hang đá có khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”. Cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện nửa hư nửa thực.

< Đường lên Ma Thiên Lãnh bắt đầu là hàng trăm bậc cấp đá, xi măng.

Để chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, bạn phải bắt đầu từ trung tâm Bãi Nhà theo hàng ngàn bậc cấp nằm giữa những rẫy chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh.

Cái u u tịch tịch do cây rừng che hết ánh nắng và hai bên là cây cối um tùm cũng làm cảm giác bất an tăng lên. Những tiếng động vật kêu xung quanh làm người yếu bóng vía sởn da gà, nhất là khi đi chỉ 1 – 2 người. Tuy nhiên, nếu đi vào ngày nắng thì thật may mắn, bạn sẽ không lo nhiều muỗi mòng rắn rết, chỉ phải dè chừng một số đoạn lá khô trơn trượt dễ ngã.

Cách Bãi Nhà khoảng 2 km có một tượng Phật được người dân nơi đây gọi là Phật Lộ Thiên, đi thêm khoảng 400m nữa bạn sẽ gặp chùa Phổ Tịnh nằm giữa núi rừng. Sân Tiên cách đó khoảng 2 km.

< Một phần của Sân Tiên, nơi mà theo truyền thuyết kể lại, có tiên hạ phàm chơi đùa.

Khi lên Sân Tiên, bạn đừng mải mê ngắm toàn cảnh đất trời bao la, núi rừng hoang dã giữa biển xanh ngắt mà quên việc tìm hiểu những dấu tích của các “dị nhân” còn lưu khắc trên đá như tên, tuổi, ngày đến, ngày đi, số năm tu,…

Mọi mệt mỏi sẽ tan biến ngay khi tới đỉnh, nơi bạn có thể nhìn thấy cả núi, cả trời và biển xanh thăm thẳm. Nếu may mắn, bạn còn được chứng kiến cảnh bầy khỉ lâu năm vui đùa, chuyền từ cành nọ sang cành kia, hoặc chụp được ảnh những loài chim lạ đang bay ngang…

Hoang vắng, êm đềm

< Hang đá Mai Dương Kiếm Pháp, nơi có những vật dụng sinh hoạt làm bằng cây rừng của đạo sĩ, dị nhân nào đó.

Sau khi chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, Hòn Sơn còn có 5 bãi biển và 1 ghềnh đá hoang sơ, trong đó Bãi Bàng có phong cảnh đẹp nhất, nhiều cây dừa nghiêng nghiêng phủ bóng mát xuống một phần bãi cát trắng dài khoảng 1 km, bãi biển hoang vắng và êm đềm.

Đây là nơi thích hợp nhất để bạn tắm biển. Không chỉ có phong cảnh trữ tình, đây còn là bãi biển rất sạch sẽ. Đặc biệt, ở đây còn có dòng suối Tiên nước trong vắt chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống ngay Bãi Bàng làm nước ngọt cho bạn tắm sau khi vùng vẫy cùng sóng biển.

Tên gọi chính của đảo là Lại Sơn, một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, người dân vẫn thường hay gọi đảo giản dị là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái. Ngay từ cái tên của đảo đã có nhiều truyền thuyết. Có người nói, Hòn Rái có tên do trên đảo xưa có nhiều cây dầu rái, loại cây cho nhựa để xảm thuyền và quét lên vỏ thuyền chống nước biển ăn mòn. Nhưng không ai biết loài cây ấy bây giờ ở đâu.

Cũng có người cho rằng có tên như vậy là do đảo trước kia có nhiều rái cá sinh sống. Còn các cụ già thì kể vào khoảng  năm 1777, lúc chạy trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đến Hòn Sơn lánh nạn. Lúc ấy, có một con rái cá khổng lồ đã bắt rất nhiều tôm cá dâng cho ông. Tại mặt nam bãi Nhà với độ cao 300 mét, còn tảng đá có bài thơ tương truyền của Nguyễn Ánh để lại càng làm cho câu chuyện thuyết phục hơn.

Không ai biết đích xác chuyện nào là thật, chuyện nào là hư cấu nhưng người dân và khách phương xa đến đây vẫn tiếp thu tất cả, ghi nhớ tất cả để kể lại cho nhau, để tò mò và bị cuốn hút nhiều hơn.

Ngoài việc tham quan tận mắt và đắm chìm trong nước biển, nơi những cảnh đẹp nên thơ trên 4 bãi của xã đảo: bãi Giếng, bãi Bấc, bãi Bàng, bãi Nhà và bãi Thiên Tuế. Chúng ta còn có thể hiểu hơn về con người và cuộc sống dân đảo khi đến các di tích văn hóa lịch sử như Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân, Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, chùa Hải Sơn,...

Theo Tây Phương (báo Đất Việt)
Du lịch, GO!