Nằm bên phải quốc lộ 20 từ TP.HCM lên Đà Lạt, núi lửa 117 (thuộc huyện Định Quán, Đồng Nai, lấy tên theo cây số trên quốc lộ 20) có hình chiếc bát úp, miệng bằng phẳng, dấu tích sau nhiều lần phun trào.
< Núi lửa 117 nhìn từ quốc lộ 20.
Từ thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) - Đồng Nai đi thêm 5km theo Quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt, bạn sẽ đến cây số 118km. Từ đây, bạn sẽ phải leo cao 100m nữa mới đến miệng núi lửa mà người dân địa phương vẫn gọi là núi lửa 118.
< Những miệng núi lửa nằm rải rác tại Đồng Nai.
Mất khoảng nửa tiếng từ đường lộ rẽ vào con đường mòn gồ ghề đến chân và leo lên miệng của ngọn 117. Phía trong lòng núi lửa giống như chiếc nón lá úp ngược.
< Từ miệng núi lửa 117 nhìn về huyện Định Quán.
Hai bên Quốc lộ 20, đoạn cây số 118 thuộc phạm vi xã Phú Vinh và Phú Tân có hai ngọn núi lửa (118, 117) nằm giữa đồng trống, nổi bật trên nền trời xanh. Núi không cao, đỉnh núi bè ra. Dưới ánh nắng có thể thấy rõ những bụi chuối và những hàng đậu bắp vuông vức chạy theo những bậc thang quanh triền núi.
< Đá tổ ong hiện diện rất nhiều trong khu vực.
Đây là những ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước. Nham thạch chảy xa đến hàng chục cây số quanh núi, và chỗ nào cũng thấy đá ong. Núi cao gần 200m với sườn núi dốc dựng đứng đến hơn 45 độ, đi trên mặt đất có thể bị ngã. Nói là đi nhưng thực ra khách gần như…bò lên núi.
< Điều và đậu được trồng ở cả hai mặt trong và ngoài của núi lửa, ngay trên triền dốc cao thẫm.
Và từ xa nhìn ngỡ núi thấp lắm, không ngờ khi bò lên mới thấy đỉnh núi… xa thăm thẳm. Vậy nhưng những người dân địa phương lại đi lên núi rất thoải mái như đang lên cầu thang gác.
Đứng trên miệng núi lửa như đứng trên một miệng chén khổng lồ đường kính chừng 200m. Trong lòng chén cũng là những mảnh ruộng bậc thang trồng đậu nành, thuốc lá.
Nhưng có một điều gì đó vừa kỳ vĩ vừa bí mật, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng hú do gió xoáy trong lòng núi vang lên. Người dân địa phương đồn thổi rằng những ngọn núi lửa này thông với mấy cái hang ngầm dưới lòng đất Tà Lài cách đó 10km (thường được gọi là hang Dơi).
Trên miệng núi lửa có thể thấy được cách 20km mặt nước hồ Trị An như một dải bạc nằm lơ lửng giữa đất trời. Từ đây cũng nhìn thấy những rặng núi xa xa ở Lâm Đồng, là những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn.
Người dân nơi đây đã tận dụng đất đai, dù xen lẫn sỏi đá, trồng nhiều loại cây như điều, keo, xen kẽ cây ngắn ngày như rau đậu, chuối, bắp, mì…
Mặc dù độ cao chỉ khoảng 200 m, nhưng cũng đủ để ta nhìn bao quát toàn cảnh huyện Định Quán nằm ngay phía dưới nếu đứng trên miệng núi.
Bất cứ ai đặt chân đến Định Quán đều dễ dàng nhận ra nơi này có hai loại đá độc đáo. Một là những hòn đá tảng lớn màu xám chồng chất cheo leo, rải rác trong khu dân cư cũng như ven đường lộ. Những hòn đá này tưởng chừng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, nhưng bao năm qua, chúng vẫn dính chặt với nhau dù dấu vết của thời gian bào mòn rõ rệt. Nhiều quần thể đá chồng này đã trở thành thắng cảnh du lịch như hệ thống đá ba chồng tại khu Núi đá, km 113.
< Hệ thống núi lửa tại Định Quán là điểm đến lý thú cho dân phượt tại TP.HCM.
Loại đá thứ hai có màu đen, có lỗ rỗng giống như tổ ong. Người dân tận dụng những viên đá này vào nhiều việc, như dùng làm tường rào, đầm sân nhà, làm ranh giới phân cách đất vườn, chặn quanh gốc cây trồng. Cả hai loại đá đều được cho rằng xuất hiện do hoạt động phun trào của núi lửa hàng trăm ngàn đến hàng triệu năm qua.
Theo các nhà địa chất, Đồng Nai có kết cấu địa chất bề mặt gồm phù sa cổ và đất bazan, hình thành sau những đợt phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Lớp đất sét và phù sa cổ có sự liên kết khác nhau tùy từng khu vực do tính chất phun trào và quá trình nguội của nham thạch từ núi lửa qua nhiều đợt.
Mạch nước ngầm, các phóng xạ, từ trường hiện diện ngay trong lòng đất của khu vực đều tác động vào việc kiến tạo cấu trúc địa hình địa chất, tạo nên hệ thống núi, đá, hang, suối, thác độc đáo tại Đồng Nai.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ iHay, Nguoilaodong và nhiều nguồn khác.