Buôn M’Liêng, xã Đắc Liêng nằm sát bên hồ Lắk và tiếp giáp với những cánh rừng nguyên sinh - đây được xem là những điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn vào loại bậc nhất ở Tây nguyên.
Nét độc đáo của buôn M’Liêng là đồng bào Mơ Nông ở đây còn gìn giữ được nhiều tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức quí báu như lễ hội, nghề thủ công, nghề dệt thổ cẩm; nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trống H’gơr, chiêng, ché cổ. Và đặc biệt 100% hộ dân ở buôn M’Liêng còn ở trong những nếp nhà dài truyền thống, trong đó có những ngôi nhà được xây cất bằng những vật liệu từ rừng, giống hệt như những ngôi nhà mà tổ tiên họ dựng cách ngày nay hàng trăm năm.
Chính những yếu tố trên nên buôn M’Liêng được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chọn triển khai dự án bảo tồn buôn cổ. Theo ông Trương Bi, phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Đắc Lắc, nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên - thì những giá trị văn hóa mà đồng bào Mơ Nông ở buôn M’Liêng còn lưu giữ được thật quí báu.
Với những tác động tích cực từ dự án bảo tồn buôn cổ này, tỉnh Đắc Lắc sẽ xây dựng buôn M’Liêng trở thành buôn văn hóa, buôn du lịch, làng nghề truyền thống đặc trưng của người Mơ Nông. Cũng theo ông Trương Bi, từ năm 2007-2009, tỉnh Đắc Lắc sẽ đầu tư 5 tỉ đồng cho việc bảo tồn và phục dựng buôn văn hóa cổ M’Liêng.
Việc bảo tồn và phục dựng buôn cổ M’Liêng bao gồm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: phục dựng lễ hội, dạy diễn tấu cồng chiêng, khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm đồ gốm... Bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể gồm: phục dựng sáu ngôi nhà cổ bằng vật liệu truyền thống của người Mơ Nông (cột nhà và sàn nhà bằng gỗ, vách nhà bằng phên lồ ô, mái lợp tranh), với mức đầu tư 600-700 triệu đồng/nhà; xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc truyền thống bằng vật liệu dân gian kết hợp với vật liệu hiện đại.
Sau khi hoàn thành việc phục dựng theo nguyên bản buôn cổ vào năm 2009, buôn M’Liêng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là địa điểm cần tìm đến của những nhà nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên, nhất là văn hóa dân tộc Mơ Nông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Minh - trưởng Phòng Văn hóa - thể thao huyện Lắk, cho biết toàn huyện hiện có hơn 59.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 36.000 người, sinh sống ở 85 buôn. Đến thời điểm này huyện Lắk đã đầu tư xây dựng được 71 nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn dân tộc thiểu số, có 34 buôn được công nhận buôn văn hóa cấp huyện.
Và tiêu biểu nhất vẫn là buôn M’Liêng - buôn đang được đầu tư xây dựng thành buôn văn hóa tiêu biểu của toàn quốc. Mới đây, tỉnh Đắc Lắc đã cấp cho buôn M’Liêng 13 bộ cồng chiêng, xây dựng thêm ba ngôi nhà dài truyền thống và chuẩn bị khởi công xây dựng nhà văn hóa cộng đồng có qui mô lớn hơn nhà văn hóa cộng đồng mà huyện đã đầu tư xây dựng.
Già làng Y Đrơng Bkrông tiếp khách bên bếp lửa trong ngôi nhà dài truyền thống với hai hàng cột gỗ sao to đầy tay người ôm. Căn nhà dài của Y Đrơng cũng như hơn 100 căn nhà khác trong buôn được làm bằng cây rừng theo mô hình nhà truyền thống, mỗi nhà có chiều dài gần 30m, gồm năm gian, đủ cho ba gia đình nhỏ cùng sinh sống.
Theo lời của già làng Y Đrơng thì buôn M’Liêng còn nhiều gia đình giữ được chiêng cổ, ché cổ và cả ghế Kpal - nơi nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng - làm bằng cả nửa cây gỗ quí có đường kính chừng hơn 1m, chiều dài hơn 20m... Già làng Y Đrơng dẫn chúng tôi đi xem dãy ché cổ tám chiếc và ba bộ chiêng quí của ông bà để lại. Ông bảo: “Những chiêng, ché này mình coi là vật thiêng, của quí.
Trước đây có nhiều người từ nơi khác đến hỏi mua, nhưng mình không bán. Mình phải giữ lại cho con cháu”. Cũng theo lời kể của già làng, trước đây khi những cánh rừng đại ngàn dưới dãy núi Chư Yang Sin còn nhiều gỗ quí, bà con buôn M’Liêng đã dùng những chú voi lực lưỡng của buôn mình vào rừng kéo gỗ về mới dựng lên được những ngôi nhà dài vững chắc thế này ngay bên hồ Lắk. Nhẩm tính căn nhà của già làng phải làm hết hơn 100 cây gỗ tốt.
Nói về cuộc sống của bà con trong buôn, buôn trưởng Ma Hoa kể: “Ngày trước, bà con thường vào rừng săn bắn, hái lượm và chủ yếu làm lúa rẫy, tỉa bắp. Nay bà con đã biết trồng lúa nước hai vụ. Nhà nào cũng có ruộng lúa, có rẫy đậu, rẫy bắp và nuôi được nhiều bò, heo nên cuộc sống cũng đã khấm khá hơn. Nhà nước không còn phải cứu trợ thường xuyên nữa".
Tuy nhiên, Ma Hoa cũng lo lắng vì những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm gốm trước đây nay bị mai một. Và việc dự án phục hồi buôn cổ giúp bà con tìm lại được những nghề truyền thống này thật đáng quí.
Những ngày xuân này, đồng bào Mơ Nông ở buôn M’Liêng cũng như nhiều buôn làng khác ở Tây nguyên bắt đầu vào mùa lễ hội với nhiều hoạt động hết sức độc đáo, như lễ mừng lúa mới (mừng vụ mùa thắng lợi), hội đua voi. Niềm tự hào của già làng Y Đrơng là buôn M’Liêng bây giờ đã là điểm dừng chân của khách du lịch trong và ngoài nước. Sau này khi khôi phục được những nghề truyền thống, bà con buôn M’Liêng vừa gìn giữ được văn hóa của tổ tiên ông bà, lại có thêm việc làm cải thiện đời sống.
Du lịch, GO! - Theo Kiều Bình Định - Quân Đội Nhân Dân, ảnh internet