Chinh phục núi Thị Vải

Thị Vải là một ngọn núi thuộc địa phận xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100km. Núi Thị Vải cùng với núi Ông Trịnh là 2 ngọn núi thuộc dãy núi Dinh, khá thấp, dễ leo nên được rất nhiều người mới leo núi dùng để làm “bài tập nhập môn”.

< Nhìn từ đỉnh núi Thị Vải thấy cả khoảng trời đất bao la.

Thị Vải và Ông Trịnh là 2 ngọn núi có thể cùng leo trong ngày, nhưng trong lần leo núi Ông Trịnh, tôi cùng nhóm bạn gặp khá nhiều sự cố nên phải 2 tuần sau mới có dịp trở lại để chinh phục núi Thị Vải.


< Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền Tự.

Đường đi đến núi Thị Vải không khác núi ông Trịnh là mấy: Từ TP.HCM, bạn đi qua ngã 3 Vũng Tàu, rồi đi thêm khoảng 80 km đường quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu, qua khỏi chùa Đại Tùng Lâm (khu Vạn Phật Quang) tầm 100m thì sẽ thấy núi Thị Vải nằm bên trái. Từ quốc lộ 51 vào đến chân núi khoảng 3km.

< Khách hành hương phải leo 1340 bậc tam cấp để đến chùa Tổ. Nếu đến được chùa Tổ, nghĩa là bạn đã leo được 2/3 núi Thị Vải.

Đến nơi, bạn có thể gửi xe tại nhà dân xung quanh chân núi, sẵn tiện hỏi đường lên núi. Cũng không khó để tìm đường, vì đường lên núi cũng chính là đường lên Linh Sơn Bửu Thiền Tự (chùa Tổ) khá nổi tiếng, bạn chỉ cần hỏi đường đến chùa là được.

< Suốt quãng đường leo thang, chúng tôi phải dừng chân nghỉ mệt khá nhiều lần. Khi dừng lại nghỉ, bạn nhớ nép vào bóng mát và đứng một lúc trước khi ngồi xuống nhé. Ngồi liền trong lúc mệt có thể làm bạn bị khó thở.

< Bảng tên thiền tự trên đá bạc màu theo thời gian.

Núi Thị Vải cao khoảng hơn 700m so với mực nước biển, ước tính quãng đường từ chân núi đến đỉnh núi dài khoảng 3km với những bậc thang đá được mài nhẵn nhụi và rất dễ đi.

Vì có sẵn những bậc tam cấp, nên quá trình leo núi Thị Vải nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với núi Ông Trịnh, bạn chỉ cần có sức bền và chút kiên nhẫn. Một bí kíp nhỏ để đỡ mệt khi leo lên các bậc thang đó là đi theo hình zíc zắc. Thật sự thì tôi vẫn thích leo núi với những đoạn đường mòn không bậc thang, thậm chí chưa phát quang, vừa “chất” vừa đỡ mệt.

Cảm giác của riêng tôi là leo bậc thang mất sức và đau chân hơn nhiều so với bò trườn bám víu để leo lên.

Sau  hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được ngôi chùa Tổ uy nghiêm cổ kính. Ghế đá, tán cây, ao cá, cành sen, tượng Phật cùng sự thanh tịnh nơi cửa Phật thật sự đã làm tan đi mọi mệt nhọc.

< Đoạn cuối của cuộc hành trình là một con đường mòn khá dễ đi.

Rời khỏi chùa Tổ, chúng tôi phải chọn 1 trong 2 con đường để leo đến đỉnh núi: một là tiếp tục đi theo những bậc thang, hai là băng rừng để leo lên. Tất nhiên, chúng tôi chọn con đường thứ hai. Có thể nói đây là đoạn đường khó khăn nguy hiểm nhất mà cũng thú vị đáng nhớ nhất trong cuộc hành trình.

Chúng tôi phải bám vào đá, vào cây để leo lên. Có lúc vớ phải cây có gai, có khi bị côn trùng đốt, có lúc vấp phải đá, có khi trượt chân trên lá mà ngã. Người trước kéo người sau, người sau nâng người trước, mọi người đều phải tập trung, cần cả tay và chân để giữ mình và “đồng đội” không trượt ngã nên không ai lưu lại được hình ảnh nào trên đoạn đường này.

< Có cả những mũi tên chỉ dẫn trên đá.

Nếu có thể, bạn hãy tự khám phá núi Thị Vải bằng cung đường mà chúng tôi đã đi, để trải nghiệm những khoảnh khắc của nghị lực và tình bạn.

Đoạn cuối của cuộc hành trình là một con đường mòn khá dễ đi, có cả những mũi tên chỉ dẫn của những “tiền bối” đi trước.
Và rồi, sau 2 tiếng 30 phút leo trèo (tính cả thời gian... lạc đường), cuối cùng chúng tôi cũng đã đến đích.

< Dù bạn lên núi bằng con đường nào, bạn cũng phải đi qua 2 vách đá này. Chẳng biết vách đá này là tác phẩm của tạo hóa hay con người, cũng chẳng biết nó có từ khi nào. Nhưng quả thật, nhìn nó rất đặc biệt, có thể nói nó là đặc trưng của núi Thị Vải và là dấu hiệu để bạn biết: Cái đích đỉnh núi đang ở rất gần bạn!

Lần nào leo núi cũng vậy,  vất vả đó, khó khăn đó, nhưng cứ đứng trên đỉnh núi, thu vào tầm mắt cảnh vật của bốn phương đất trời, là mọi mệt nhọc đều cuốn theo gió, bay theo mây.

< Cuối cùng thì đỉnh núi đây rồi!

Trên đỉnh núi có một ngôi chùa nhỏ. Tại đây, chúng tôi gặp một đoàn người cũng vừa leo đến chùa. Hỏi ra mới biết các cô chú cứ định kỳ mỗi tháng lại mang vác rượu thịt lên đỉnh núi cắm trại, còn các sư thầy thì thường xuyên lên xuống núi để mua lương thực và các vật dụng cần thiết. Nghe mà thấy ngượng cho sức trẻ quá khi thấy sức mình không bằng các cô, các chú, các sư…

< Tranh thủ chụp một tấm ảnh toàn đoàn để lưu lại “chiến tích”.

Trò truyện ăn uống vài mươi phút, chúng tôi từ chối lời mời cùng cắm trại của các cô chú rồi từ biệt họ, bắt đầu hành trình “hạ sơn”. Vì đã là giữa trưa, để kiệm sức và thời gian, chúng tôi trở về bằng cung đường số một với những bậc tam cấp. Dừng chân tại chùa Hồng Phúc (chùa Trung), chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm chay, mà theo tôi là bữa cơm chay ngon nhất tôi từng ăn, cũng có thể do mệt và đói quá. Đặc biệt là chúng tôi còn được dịp học các sư cách làm nến.

< Nến được làm ngay tại chùa.

Cuộc hành trình kết thúc tại chân núi lúc 4 giờ chiều để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Chuyến leo núi lần này quả thật không chỉ giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe, nghị lực và kỹ năng, cho chúng tôi những bài học về sự đoàn kết, tính kiên nhẫn mà còn mang đến những trải nghiệm đáng quý về tình bạn, tình đồng đội, tình người…

Du lịch, GO! - Phượt ký của Phạm Như Quỳnh (iHay.Thanhnien)