Những lưu ý khi “phượt” bằng xe máy

Nếu “xách” xe máy lên đường “phượt” cùng bè bạn đầu năm, bạn nên chuẩn bị kĩ, giữ gìn sức khỏe, di chuyển tốc độ an toàn và chú ý điều kiện đường xá, thời tiết.

Chuẩn bị kỹ

Bên cạnh hành lý gồm quần áo, túi ngủ hay vật dụng, thuốc men, thức ăn, nước uống, bạn cần nhớ đến “chiến mã” vượt đường xa. Hãy chuẩn bị kĩ cho chiếc xe, siết lại ốc, kiểm tra lốp xe, bình ắc-quy để đảm bảo chiếc xe vận hành ổn định trên một đoạn đường dài. Nếu có thể, hãy mang xe đi bảo dưỡng và thay dầu trước khi khởi hành.

Kiểm tra kỹ hệ thống đèn pha, đèn xi-nhan, đèn báo phanh ở đuôi xe. Không có đèn, bạn sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu đi trong đêm tối. Nhớ lắp gương chiếu hậu, ít nhất là gương chiếu hậu bên trái. Việc sử dụng gương chiếu hậu trên đường trường rất quan trọng, giúp bạn tránh nhiều nguy cơ tai nạn, do quan sát được xe đi từ phía sau. Nếu lốp quá mòn, hay săm (ruột) xe vá đã nhiều lần, nên thay mới để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Chuẩn bị quần áo ấm, chắn gió, khăn, giày, găng tay cẩn thận. Những trang phục đi đường rất quan trọng để giúp bạn bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm thương tích nếu xảy ra va chạm. Mũ bảo hiểm nhất thiết phải là loại đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ cứng, nên dùng mũ bảo hiểm loại trùm đầu để đạt độ an toàn tối đa.
Nếu di chuyển trong đêm tối, hãy trang bị thêm những tấm dán phản quang ở phía sau lưng, đuôi xe để người đi xe sau có thể nhận diện.

Mang theo đồ sửa xe cơ bản, có thể là cả dụng cụ vá xe, bơm xe, bởi vùng miền núi phía Bắc người dân thường mở cửa rất muộn, nên cửa hàng sửa xe rất hiếm.

Di chuyển tốc độ an toàn, hợp lý

Hãy di chuyển với tốc độ cho phép trên đường, 60km/h trên đường ngoài đô thị và 40km/h trong khu vực đô thị. Đừng đi quá nhanh hay quá chậm! Nếu đi quá nhanh, bạn sẽ dễ mất kiểm soát tốc độ khi gặp sự cố. Nếu đi quá chậm, bạn sẽ liên tục bị xe ô tô vượt qua bên trái, chịu sức ép lớn và nhiều rủi ro hơn.

Tránh đi phía sau và sát đuôi xe tải lớn. Tại đường đồi núi, xe tải lớn chở nặng chỉ di chuyển với tốc độ rất chậm, từ 10 - 20 km/h, vì vậy hãy cảnh giác đừng bám sát đuôi. Những xe này nếu tuột dốc sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm nếu bám đuôi quá gần. Hãy giữ khoảng cách hợp lý, quan sát phía trước và vượt khi có thể, chú ý không vượt ở khúc cua.

Nếu đi theo đoàn, hãy chọn người có kinh nghiệm dẫn đoàn, kiểm soát tốc độ và khoảng cách giữa các xe, luôn đảm bảo đoàn được an toàn khi vượt xe khác. Luôn nhớ, hãy tuân thủ luật giao thông, sử dụng xi-nhan, đèn passing và còi để xin vượt; đi đúng tốc độ quy định, không vượt phải và không vượt tại các khúc cua.

Chú ý điều kiện đường xá, thời tiết

Nếu mặt đường không tốt, nhiều sỏi đá, hay trời mưa, đường trơn, hãy đi chậm lại và luôn làm chủ tốc độ.
Thời tiết mùa xuân của khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên có mưa phùn, sương mù, khiến tầm nhìn hạn chế, đặc biệt với những người sử dụng kính, vì vậy cần giảm tốc độ hoặc dừng lại nghỉ ngơi nếu cảm thấy nguy hiểm. Chú ý cột mốc ven đường để tránh lao xe xuống vực, hãy dừng lại nếu không thể quan sát đường.

Tốt nhất, bạn nên theo dõi tình hình dự báo thời tiết để tránh di chuyển trong thời tiết quá xấu, cập nhật thông tin về cung đường mình đi, có xảy ra sạt lở hay nguy hiểm không để đề phòng.

Giữ sức khỏe tốt

Hãy giữ cho mình sức khỏe tốt nhất trước hành trình dài bằng xe máy. Ăn uống đủ no trước khi lên đường, mang theo nước uống. Không sử dụng rượu bia và các chất có cồn khác khi điều khiển xe máy.

Không nên lái xe liên tục quá lâu, nên nghỉ khoảng năm phút sau một giờ di chuyển, để tỉnh táo và thư giãn cơ thể, cho máy móc nghỉ ngơi. Nếu buồn ngủ hay mệt, hãy dừng xe và nghỉ vài phút, sẽ an toàn hơn nhiều so với việc bạn gật gù khi điều khiển xe máy.

Phượt bằng xe máy, cách nào?
Đồ dùng cần chuẩn bị khi đi phượt bằng xe máy

Du lịch, GO! - Theo Tô Tùng (Tiền Phong), ảnh internet