Thăm Đại bảo tháp cao nhất Việt Nam

Trước ngọn tháp uy nghi, người lễ chùa cảm thấy lòng đầy tin tưởng rằng, những ước nguyện đầu năm bày tỏ ở chốn thiêng liêng này sẽ linh ứng.

< Tháp Báo Ân được xây dựng theo mẫu thiết kế của các kiến trúc sư Việt Nam nổi tiếng và có tham khảo ý kiến của kiến trúc sư Nhật Bản. Tháp được xây dựng trên nguyên tắc kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam, với nét đặc thù là được thiết trí theo hình Tháp Bát giác (theo giáo lý Bát Chính Đạo). Cửa tháp mở ra theo 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Khánh thành ngày 22/11/2010, xuân Tân Mão là mùa xuân đầu tiên tháp Báo Ân - Đại bảo tháp cao nhất Việt Nam - chính thức đón tiếp khách thập phương đến chiêm ngưỡng và lễ bái.

< Bên trong Tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá, nhằm thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng trong giáo pháp của Người. Những pho tượng Phật trong tháp được kiến tạo theo 3 dạng kết cấu khác nhau, với chiều cao và trọng lượng tỉ lệ với các tầng của tháp.

Nằm trong khuôn viên chùa Bằng A (Linh Tiên tự), phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tháp Báo Ân được xây dựng dựa trên kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam. Tháp được xây dựng trong gần 7 năm, với kinh phí gần 20 tỷ đồng công đức của thập phương tăng ni Phật tử và nhân dân cả nước.

< Tầng 1 của tháp còn tôn trí 4 tượng Tứ trấn Thiên Vương (Đông phương: Trì Quốc Thiên Vương; Nam phương: Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương: Quảng Mục Thiên Vương; Bắc phương: Đa Văn Thiên Vương). Các bức tượng được tạc bằng đá, cao 3,5m.

Được xây dựng dựa trên kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam, tính đến thời điểm này, tòa tháp đang giữ kỷ lục Việt Nam về độ cao và số lượng tầng (gồm 13 tầng). Chiều cao tính tới chóp đỉnh tháp gần 57m, đế móng sâu 45m. Bên trong tháp có 104 pho tượng Đức Thích Ca được đúc bằng đồng theo phương pháp cổ truyền.

< Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp Báo Ân có treo 8 pho sách (cuốn thư) được đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, có chạm nổi các thi phẩm – thiền kệ của các bậc cao tăng Việt Nam đương đại.

< Toàn bộ tầng 1 của tháp được ốp bằng đá Thanh Hóa, từ sàn, tường đến lan can, đặc biệt là những hàng cột đá cao 7m được thực hiện bởi nhóm thợ đá giỏi của huyện Ý Yên – Nam Định.

Chung quanh tháp tôn trí 4 pho tượng Tứ trấn Thiên Vương bế thế bằng đá. Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp 8 pho sách (cuốn thư) đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, có chạm nổi các thi phẩm - thiền kệ.

< Tháp Báo Ân nhìn từ vườn chùa, hiện còn 6 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư và giác linh, trong đó có những ngôi tháp cổ: Linh Quang thờ Thiền Sư Tính Tuyên; Từ Quang thờ thiền sư Chiếu Sửu – Trí Điển.

Với việc khánh thành Đại bảo tháp Báo Ân, chùa Bằng A đã trở thành một điểm đến tâm linh đầy ý nghĩa trong những ngày đầu năm đối với nhiều Phật tử trong và ngoài Hà Nội.

< Bên cạnh tháp là 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử.

< Tháp Báo Ân nhìn từ Quan Âm viên, nơi tôn trí bởi 45 pho tượng khác nhau gồm chính thân, 32 hóa thân theo phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và 12 đại nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Những pho tượng này nhằm nói lên tinh thần cứu khổ, ban vui của Bồ Tát Quán Thế Âm cho tất cả chúng sinh trong thế giới.

< Trong khuôn viên chùa Bằng A còn có một hồ nước hình vuông, giữa hồ tôn trí tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hướng vế phía tháp Báo Ân.

Đứng trước ngọn tháp cao lớn, uy nghi với những đường nét kiến trúc đầy tính nghệ thuật, người đi lễ chùa không thể không cảm thấy trong lòng mình trào dâng cảm giác bình yên, và trong lòng đầy tin tưởng rằng những ước nguyện đầu năm được bày tỏ ở chốn thiêng liêng này sẽ trở thành hiện thực.

< Tháp Báo Ân hiện giữ 2 kỷ lục ở Việt Nam: kỷ lục tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam và tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam. Đại bảo tháp Báo Ân đã trở thành một điểm đến tâm linh đầy ý nghĩa trong những ngày đầu năm đối với nhiều Phật tử trong và ngoài Hà Nội.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa Bằng A chia sẻ: “Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi hương trầm, mùi nến, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản”...

Du lịch, GO! - Theo Báo Đất Việt