Mắm thu Bình Định nổi tiếng từ thời Tây

Có thuyết bảo rằng, Bình Định nhiều cá thu đến nỗi người ta phải làm chả, làm mắm. Mắm cá thu cắt khúc chưng cách thủy với thịt heo xay, nấm đông cô, gừng, hành lá, ăn kèm rau sống, dưa leo... đưa cơm khôn tả.

Hai thứ đặc sản nổi tiếng của vùng đất võ tuy cùng một gốc nhưng lại mang tên địa danh khác nhau.

Đó là chả cá Quy Nhơn và mắm thu Bình Định, và không ai quen nghe gọi ngược lại - chả cá Bình Định, mắm thu Quy Nhơn. Chả cá Quy Nhơn cũng thường làm bằng cá thu. Cả hai đã di cư vào Sài Gòn theo chân người Bình Định, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực chí ở đây.

Thuyết cho rằng người dân Bình Định xưa cũng có nghề câu cá thu trên biển, cá thu đến nỗi người ta phải làm chả, làm mắm. Thuyết khác ca ngợi hải sản Bình Định, đặc biệt là cá thu được liệt vào danh sách ngon, hiếm.

Tương truyền, ở xã đảo Nhơn Châu hay còn gọi là cù lao xanh, ngư dân nơi đây đoán được con nước của biển. Hàng năm vào một thời điểm nhất định sẽ có một dòng nước từ Biển Đông đưa luồng cá thu vào đảo.

Con cá thu mập mạp, bóng bẩy, thịt ngọt và đầy đủ dưỡng chất. Ngọc Thịnh, một người bạn xuất thân trong gia đình ngư dân ở Bình Định, tự hào: "Tôi cam đoan con cá thu ở Vũng Tàu, Phan Thiết không ngon bằng Bình Định. Vùng đánh bắt của Bình Định ngoài khơi xa, nước biển sạch nên con cá thu thịt thơm. Cá thu mắc lắm, mắc hơn cả thịt".

Điều này có thể khẳng định qua câu nói của những nhà làm chính sách vào những năm 1980, ăn cá thu là ăn sắt thép của đất nước, vì giá trị xuất khẩu của nó cao.

Như vậy Bình Định trước nhất là nhiều cá thu và cá thu lại ngon đặc biệt, để dân ở đây có món mắm thu nổi tiếng khắp Đông Dương, được cho vào hũ sành gắn xi xuất khẩu? Không ai lý giải được điều này đúng hay sai. Cũng có khi món mắm này làm ra cốt lưu giữ lâu ngày để đổi lấy sản vật ở vùng cao, như anh em Tây Sơn trước khi xưng vương đã làm nghề đổi hải sản lấy trầu nguồn.

Từ sự nổi tiếng của con cá thu tươi nên mắm cá thu được xem là đặc sản của Bình Định. Mắm cá thu cắt khúc chưng cách thuỷ với thịt heo xay, nấm đông cô, gừng, hành lá, ăn kèm rau sống, dưa leo. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, ăn mắm chưng với cơm nóng hay cơm nguội đều ngon không gì bằng.

Món mắm cá thu chà có người gọi là mắm cá thu xay mịn hoặc quết nhuyễn, đơn giản hơn nhưng ngon nức nở. Mắm có màu vàng kem, mịn màng thoạt nhìn giống như chao đậu quết nhuyễn. Múc mắm ra chén, cho chút đường, chanh, tỏi bằm, ớt vào quậy đều, chưa ăn đã thấy hấp dẫn. Thêm rổ rau sống nào là xà lách, rau thơm, dưa leo, khế chua, chuối chát… chỉ đơn sơ vậy mà bao nhiêu cơm cũng không đủ.

Muốn ăn chơi thì đem thịt ba rọi luộc cắt lát mỏng, cuốn rau sống, bánh tráng chấm với mắm cá thu. Bạn tôi cũng tự hào tiết lộ, món mắm ruột cá thu ở Bình Định hảo hạng hơn bất cứ loại mắm ruột cá nào, chỉ ngư dân Bình Định sành ăn mới có vì không phải ai cũng biết làm.

Du lịch, GO! - Theo Sài gòn Tiếp thị, ảnh internet