Miếu Bách Linh và Hội Pháo hoa ở Quảng Uyên

Miếu Bách Linh ở chân núi đá Cốc Bó, cách chợ thị trấn Quảng Uyên (Quảng Uyên) hơn 200m. Miếu kiến trúc thời Nguyễn, xây dựng đã mấy trăm năm, cột gỗ, lợp ngói máng. Đến năm Khải Định thứ 6 (1912) có quan tri châu Quảng Uyên tên là Hà Lương Tín ở Tràng An, quê Thái Bình, thuê thợ dưới xuôi lên trùng tu xây bằng gạch, miếu có dáng dấp ngôi chùa.

Trước cổng có tam quan, có sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, có hoành phi, câu đối. Cổng tam quan nay còn giữ được nhưng đã lấp hai cổng phụ. Trên cổng khắc ba chữ “Bách Linh miếu” có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc)có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng hoàng, long quy tụ hội.

Cách miếu 5m về phía nam có bài thơ chữ quốc ngữ khắc vào đá của Thú y Trần Thọ Huy. Nội dung bài thơ ca ngợi cảnh đẹp ngôi miếu thần linh:

Khải Định lục niên
Kia đền tân tạo bảo lương toàn
Thờ Bách Linh thần ở thế gian
Đá tạc Tây nam, Trung Quốc khách
Giang sơn phúc lộc ngũ hành sơn
Trong ba bệ ngọc, ba hương án
Ngoài một sân hoa, một cửa quan
Thấy cảnh hỏi ai tô cảnh ấy
Quang Hà Lương Tín ở Tràng An.

Miếu Bách Linh đã đi vào đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Hằng năm mở lễ hội vào ngày 2 tháng 2 âm lịch gọi là lễ hội “Pháo hoa”. Lễ rước kiệu xuất phát từ mỏ nước Cốc Bó để khai quang cho rồng mở mắt dưới gốc cây cổ thụ ở mỏ nước. Chủ lễ bóc miếng giấy ở mắt rồng, sau 3 hồi trống rồng mới bay lên 3 lần đi vòng quanh miếu Bách Linh rồi mới rước thần qua miếu thờ đức Trần Hưng Đạo đại vương, miếu thờ Nùng Trí Cao rồi múa rồng đi khắp phố.

Dân trong phố thắp hương trước cửa đón mừng lộc đã đến nhà mình. Đoàn rước kiệu đi đầu có ảnh Bác Hồ, đoàn thứ 2 là kiệu thần miếu, có bát hương to, thứ 3 là kiệu rước đầu pháo, thứ tư là rước lợn quay phần thưởng cho đội nào cướp được đầu pháo thắng cuộc thì người và đội làng ấy ăn mừng, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, sung túc.

Lễ hội Pháo hoa là lễ hội to nhất ở các huyện miền Đông, người tứ phương về đây trẩy hội. Trong lễ hội, trò cướp đầu pháo là trò chính. Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc sặc sỡ được đặt lên chòi cao, sau khi đốt pháo, đầu pháo rơi xuống, các đội cướp pháo ở các làng bản đã đăng ký vào tranh cướp, ai cướp được đến tế thần và nhận phần thưởng.

Nay bỏ tục đốt pháo. Người chủ lễ đứng lên cao tung đầu pháo xuống sân, nơi tổ chức cướp pháo. Sau trò tranh đầu pháo là các trò chơi dân gian, như: múa rồng, múa kỳ lân, tung còn, hát lượn, chơi đu, biểu diễn võ dân tộc, cờ tướng, đá bóng, triển lãm tranh ảnh...

Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên là một di sản văn hóa phi vật thể, để bảo tồn những giá trị văn hóa đó cần lập ban bảo vệ di tích miếu Bách Linh, bảo vệ cảnh quan của miếu, tránh để các tư nhân lấn chiếm xâm phạm đến đất chùa, nhất là bảo vệ mặt tiền của Miếu. Đề nghị tỉnh nghiên cứu ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh để có cơ sở pháp lý bảo vệ và phát huy di tích.

Du lịch, GO! - Theo Báo Cao Bằng, ảnh internet