Đến các tỉnh miền núi Lạng Sơn, Bắc Giang vào mùa này, chắc chắn khách đường xa sẽ được chủ nhà mời thưởng thức món nấm chẹo, một đặc sản của vùng rừng núi nơi đây.
Và còn gì bằng nếu được tham gia chuyến đi “săn” nấm đầy thú vị của người dân nơi đây.
Nấm chẹo (tên địa phương thường gọi là boóc pào) là loại nấm mọc tự nhiên trong rừng, có màu đỏ tươi, hình như cái ô, thường dễ nhầm lẫn với các loại nấm độc khác. Nấm thường mọc vào hai mùa trong năm từ tháng 3-4 âm lịch và tháng 8-9 âm lịch cũng có thể kéo dài sang tới tháng 10 âm lịch, vòng đời chỉ kéo dài 1-2 ngày. Nấm chẹo mang lại nguồn lợi kinh tế rất cao. Ngoài tác dụng làm món ăn nó còn là một loại thuốc đông y.
Vào mùa này, khi có dịp ghé thăm các vùng núi phía Bắc, bạn sẽ bắt gặp bà con nơi đây nhộn nhịp đi “săn” nấm chẹo - một đặc sản quý của núi rừng.
< Nấm chẹo, đặc sản núi rừng.
Loài nấm này thường mọc dưới tán cây chẹo hoặc cây dẻ, tuy nhiên không phải dưới tán cây nào cũng có nấm. Có khi cùng một cánh rừng nhưng chỉ có một khu có nấm, chính vì vậy nấm chẹo được coi như vàng của rừng mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đó.
Nấm chẹo thường mọc nhiều khi mưa xong nắng bắt đầu lên, và chỉ mọc rộ 1 tuần/tháng. Chính vì mọc không cố định nên việc săn nấm ngày càng khó khăn và còn phụ thuộc vào may mắn của người săn nấm.
Nấm chẹo mọc rất nhanh, người đi hái thường đồn nhau rằng bước chân của người hái nấm vừa đi khỏi thì người đến sau đã hái được nấm. Nấm được thu hái bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng người hái nấm thường đi từ lúc 2-3g sáng vì khi đó thu hái được nấm ngon, nấm vừa mọc, ô chưa xòe to.
Hái nấm chẹo cũng phải đúng cách, khi hái phải cầm thân nấm nhấc nhẹ hoặc xoay cẩn thận nhẹ nhàng nếu không nấm sẽ bị vỡ.
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, khi hái không được ngồi mà chỉ được cúi xuống hái, nếu ngồi xuống hái thì nấm sẽ không mọc nữa. Khi nấm đang nhú lên nếu có hơi người hoặc người nhìn thấy hoặc sờ vào nấm sẽ mọc chậm lại.
< Thơm ngon nấm xào thịt bò.
Ngoài ra, khi hái nấm phải để lại rễ để nấm lại mọc vào ngày hôm sau và chỉ được hái nấm ở dưới tán cây chẹo, nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn với loại nấm độc khác (có hình dáng và màu sắc tương tự). Bây giờ khi nấm chẹo ngày càng khan hiếm, người hái nấm thường mắc màn ngủ qua đêm canh nấm mọc.
Nấm chẹo không chỉ có giá trị kinh tế cao, là bài thuốc trong đông y mà nó còn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.
Nấm sau khi hái về làm sạch lớp màng bao bọc trên mũ nấm, cắt bỏ gốc, rửa sạch, những nấm to có thể xé ra thành những miếng vừa ăn. Trước khi chế biến, nấm được chần qua với nước sôi.
< Ngọt mát canh nấm.
Đơn giản có thể kể đến món nấm xào, cho nấm vào chảo thêm một chút dầu mỡ, nêm gia vị vừa ăn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của nấm, vị ngọt giòn, xần xật lưu luyến mãi không quên. Sang hơn thì có thể xào với thịt bò, hương vị của thịt bò hòa quyện cùng vị ngọt, giòn của nấm làm người thưởng thức nhớ mãi.
Mùa hè bạn sẽ được chủ nhà đãi món canh nấm nấu cùng chút thịt băm. Thịt băm nhỏ, xào qua cho thêm một ít nước đun sôi rồi cho nấm chẹo đã được trần qua vào. Một bát canh đơn giản nhưng hợp khẩu vị, hương vị ngọt từ thịt cùng nấm lẫn vào nhau làm hương vị bát canh không lẫn vào đâu được.
Du lịch, GO! - Theo Hoàng Hân (báo Tuổi Trẻ), internet