Đường về Ngãi Thầu.

Cách thành phố Lào Cai hơn 80km, Ngãi Thầu là xã biên giới của huyện Bát Xát, nằm trên cao chót vót và là một trong những điểm đón mây trời đẹp nhất ở Lào Cai.

< Đường đi Ngãi Thầu.

Đường về xã Ngãi Thầu từ Lào Cai là đường cấp phối, khá quanh co và đá lởm chởm, vì thế nếu lên đỉnh Ngãi Thầu bằng ôtô thì phải là xe có gầm cao để vượt qua những ngầm (chỗ những con suối chảy ngang đường đi) trên đường.

Theo nghĩa tiếng Mông, Ngải Thầu là chân tảng đá, Nà Bủng là ruộng sâu róm, còn Nà Hỳ dưới chân Ngãi Thầu là ruộng to, ruộng dài. Dãy Ngải Thầu cao 1.500m so với mặt nước biển. Nhìn trên bản đồ, điểm nhô ra xa nhất trên đường biên tiếp giáp nước bạn Lào của tỉnh Điện Biên, ấy là vùng Ngải Thầu.

Theo đường tỉnh 158, đường về Ngãi Thầu càng lúc càng hẹp dần, liên tục lên cao và quanh co, uốn khúc. Bù lại, du khách qua đây sẽ được thưởng lãm những làng mạc hoang sơ, cuộc sống thật gần với tự nhiên. Chợ phiên Mường Hum nằm trên lộ trình này và đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai đi về Ngãi Thầu.

Đi hơn 50km đường, xe bắt đầu qua một khu rừng, không khí đột ngột giảm nhanh và cái lạnh ào ạt xô đến. Qua xã Y Tý, Ngãi Thầu đón chúng tôi bằng một bầu trời đặc quánh mây mù. Tầm nhìn của cả nhóm chỉ giới hạn trong 5m trước mặt, chúng tôi vừa đi vừa dò được vì nếu có xe trước mặt hoặc có xe đi ngược chiều quá 5m sẽ rất khó nhận ra.

Chỉ một tài xế điều khiển xe nhưng đến 12 con mắt nhìn đường. “Phía trước có người. Có xe máy. Có chó…”, những lời nhắc chừng không bao giờ thừa vì không ít lần trong đám mây mù đặc quánh bỗng xuất hiện vài chú gà, chó băng qua đường, những chiếc xe máy ngược chiều…

Sau hơn 3 giờ liên tục leo đèo dốc, trung tâm xã Ngãi Thầu hiện ra giữa mây mù chỉ lèo tèo vài ngôi nhà và một trung tâm y tế vắng ngắt. Trong cái lạnh cắt da, những em bé gái lấm lem đang rửa mặt trong suối nước trong vắt bên đường, những em bé trai đang cho trâu gặm cỏ bên đường…, như những “tiên đồng” trong trang phục người Hà Nhì, má lúc nào cũng ửng hồng tò mò nhìn theo những người khách lạ.

Suốt mấy chục kilômet đường qua xã Ngãi Thầu, chúng tôi luôn trầm mình trong mây mù, chúng tôi cứ như đang ở trên mây, đang ở thiên đường, phiêu diêu cùng những đám mây bồng bềnh. Mây và sương vẫn càng lúc càng dày hơn, vừa lần đường chúng tôi vừa bồng bềnh cảm giác trong mây, lâng lâng, nhè nhẹ.

Tôi không biết trong truyện Tây Du ký, chàng khỉ tinh nghịch Tôn Ngộ Không dạo bước trên mây thế nào, riêng tôi thì “phê” với chính cái cảm giác bồng bềnh trong mây, thích với những làn sương theo gió ùa vào mặt và cái mờ mờ ảo ảo của khung cảnh trên đỉnh Ngãi Thầu.

Theo lời bác tài xế, vào những ngày nắng đẹp, có ánh mặt trời, đứng ở bất kỳ khu vực nào trên Ngãi Thầu cũng có thể nhìn bao quát suốt cả thung lũng phía dưới. Núi trùng điệp, những con sông giờ chỉ thấy bé như sợi mì chảy uốn lượn, những mái nhà nhỏ thấp thoáng trong những cánh đồng xanh bạt ngàn, “đẹp không thể tả”. Lúc ấy chúng tôi ước gì những người bạn miền Nam gửi cho mình một ít nắng, một chút ánh mặt trời của phương Nam để thỏa cái nhìn của tầm mắt.

“Chạy thêm gần một giờ nữa, “cầu ước được thấy”, nắng lung linh xuyên qua mây mù, trên đầu chúng tôi là mây, cả nhóm trở nên bé xíu trên con đường nhỏ nằm vắt vẻo giữa một bên là núi, một bên là vực và dưới chân là một thung lũng xanh bạt ngàn xa tít tắp với những thửa ruộng bậc thang óng ánh trong nắng chiều, những con suối nhỏ uốn quanh trước khi cùng hòa mình vào dòng sông Hồng… “Tuyệt vời! “Tuyệt vời! Tuyệt vời” - tất cả chúng tôi đều thốt lên.

Xe vẫn liên tục xuống dốc và khoảng xanh bạt ngàn vẫn mở đều, mở đều, những dòng suối ở dưới thung lũng vẫn bám chúng tôi. Cả vùng thung lũng phía dưới như cô gái xuân thì phơi sắc xuân. Còn gì hạnh phúc bằng khi vừa được dạo trong mây, vừa được ngắm nhìn một góc Tây Bắc ở nơi đỉnh cao vời vợi này?

Qua Ngãi Thầu, xe vẫn bon bon đổ xuôi dốc. Bỗng có tiếng nhạc vui nhộn giữa trời thanh vắng. Ở đâu ra tiếng nhạc trên đỉnh núi cao, lại ở ngay đoạn dốc quanh co không một mái nhà?

Ngạc nhiên, dõi mắt tìm, chúng tôi bắt gặp hai cô gái Mông Hoa đang về Ngãi Thầu. Trên tay là chiếc máy cassette to đùng với 5 cuộn băng, chưa kể một cuộn đang cất tiếng hát véo von trong máy. Hai cô chỉ chịu nói chuyện với thành viên nữ duy nhất trong đoàn là tôi bằng những câu trả lời nhát gừng. “Đi Ngãi Thầu đấy!”. “Tên gì hả? Không biết đâu. Mà hỏi làm chi?”… “Hai bạn đi tình yêu phải không?” - tôi hỏi.

Hai cô cười bẽn lẽn nhưng trả lời rất thực lòng: “Ừ đấy!”. “Bao giờ mới tới”. “Tối là tới mà. Nghe hết băng là tới”. “Vậy bao giờ mới về?”. “Thì mai về. Lo gì”. Chỉ kịp chụp vài tấm hình lưu niệm, hai cô bé tạm biệt để tiếp tục về “tình yêu” ở Ngãi Thầu trong tiếng nhạc rộn ràng. Chúng tôi nhìn theo đôi chân của 2 cô gái nhỏ mà lòng đầy lưu luyến…

Đường vào khu vực dãy Ngải Thầu gian nan không kém gì một thời “đường lên Tây Bắc vút xa mờ”. Đi từ một hướng khác: Khởi hành tại Điện Biên, qua Mường Chà, đến ki lô mét 45 rẽ trái theo đường 45, con đường mới mở trên lưng lửng vách núi vào 40km nữa mới tới Nà Hỳ. Còn từ Nà Hỳ lên đến Nà Bủng thêm 30 km nữa. Khi chúng tôi hỏi đường về Nà Bủng, mấy người dân ở Nà Hỳ lắc đầu: Ối, mưa thế này không lên Nà Bủng được đâu. Muốn lên thì nhờ con trâu nó kéo cho mà lên.

Khi chúng tôi vào đây, mặc dù đường đã được mở nhưng gặp ngày mưa, chiếc xe khách 14 chỗ phải cuốn quanh lốp những sợi dây xích như kiểu xe tăng để vào. Tuy đã phải làm như thế nhưng rút cuộc, chỉ đi được nửa quãng đường, chiếc xe cũng phải trả khách giữa đường rồi quay đầu tháo lui. Nghe dân nói, được mục sở thị chuyện đường đất, biết có cố cũng khó mà thực hiện được, đành ở lại Nà Hỳ.

Du lịch, GO! - Theo TTVN + QĐND