Về Thất Sơn nghe điệu Dù Kê

Mới ra đời từ đầu thế kỷ 20 và không “thượng lưu” như Rô Băm, Dù Kê (kịch hát) của người Khmer là loại hình nghệ thuật “bình dân”, dễ hiểu, gần gũi với tầng lớp nhân dân lao động.

Cả đời một đam mê

Biết tôi đang ở thị trấn Tri Tôn, An Giang, người bạn công tác ở Sở VH-TT-DL An Giang nói qua điện thoại: “Về Ô Lâm ngay đi, tối nay có buổi diễn Dù Kê đấy”. Ô Lâm là một xã giáp biên giới Campuchia, và cũng là nơi duy nhất ở vùng Thất Sơn này còn duy trì được một đội Dù Kê.
Tôi về đến Ô Lâm khi mặt trời vừa đứng bóng, nắng nóng như trút lửa nhưng trong căn nhà sát UBND xã vẫn đang rộn ràng tiếng hát, tiếng nhạc.

Đó là nhà nghệ nhân Chau Men S’ray, chủ gánh hát Dù Kê. Chau Men S’ray cùng vợ con và những cô gái Khmer trong trang phục truyền thống sặc sỡ đang miệt mài tập luyện, mồ hôi nhễ nhại.

“Đúng là đam mê!”, tôi thầm nghĩ và nhìn quanh, ngôi nhà bài trí đơn sơ, tài sản chẳng có nhiều, nhưng với Chau Men S’ray, có nhiều thứ rất quí. Đó là chiếc tủ kính bên trong đựng những chiếc mũ, đai, dây tay, dây đeo cổ, và những bộ quần áo biểu diễn xếp ngăn nắp. Đó là những tấm huy chương, bằng khen, giấy khen, lồng trong khung tren trên tường nhà… “Đang vào mùa thu hoạch, bận lắm, nhưng tôi vẫn phải sắp xếp thời gian cho các em tập luyện. Sắp vào mùa lễ hội rồi. Tối nay chúng tôi diễn vở “Sac K’ni” phục vụ bà con lấy tinh thần thu hoạch vụ mùa, mời anh đến xem cho biết”, Chau Men S’ray cho biết.

Chau Men S’ay bảo, ông mê Dù Kê ngay từ thuở thiếu thời. Hồi đó, nhà nghèo phải đi chăn trâu thuê. Mỗi ngày, ngồi trên lưng trâu, ông lại nghêu ngao hát Dù Kê, thuộc đoạn nào hát đoạn ấy. Rồi một lần được xem gánh hát Dù Kê Tri Tôn biểu diễn, ông đã “si” tiếng hát và cả dung nhan cô Néang Ok, con gái ông bầu.

Hôm sau, ông xin vào làm nhạc công trong dàn nhạc ngũ âm của gánh hát này để được nghe hát và “chinh phục” người con gái có giọng hát khiến ông say mê. Cuối cùng, tài chơi nhạc, giọng hát hay và lòng đam mê Dù Kê của ông đã khiến cô gái đẹp nhất gánh hát khi ấy xiêu lòng. Bây giờ, cô con gái Néang Kunh Thia của họ không chỉ kế thừa nét đẹp của mẹ mà cô còn xuất sắc trong các vai diễn Dù Kê, cô là phát thanh viên tiếng Khmer của Đài Phát thanh huyện Tri Tôn.

“Cuộc sống của chúng tôi còn khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi vẫn duy trì được đội Dù Kê như hôm nay, ấy là nhờ tôi may mắn có người vợ cùng đam mê. Hàng ngày, vợ chồng tôi cùng ra đồng, lúc rảnh tôi chạy xe ôm kiếm thêm, tối về cả nhà lại cùng các em tập hát đến khuya. Về động tác múa thì Dù Kê không khó bằng Rô Băm, nhưng có cái khó khác là múa phải kèm lời ca. Nghĩa là vừa luyện chân tay, vừa phải thuộc lời rồi luyện âm…”, nghệ nhân Chau Men S’ray nói.

Ban ngày, mọi người cùng tất bật với việc đồng áng, nhưng khi đêm xuống, căn nhà nhỏ của vợ chồng nghệ nhân Chau Men S’ray lại rộn vang tiếng hát, tiếng đàn xen những tiếng cười hạnh phúc. Chính nhờ Chau Men S’ray, Đoàn nghệ thuật Dù Kê Ô Lâm đã đi biểu diễn khắp nơi, ra đến Thủ đô Hà Nội dự các Liên hoan văn hóa dân tộc Khmer và giành giải thưởng.

Sức hút Dù Kê

Hơn 5 giờ chiều, khi mặt trời chưa khuất sau ngọn Cô Tô, khắp mọi ngõ xóm đã rộn ràng tiếng nói cười, mọi người í ới gọi nhau ra sân khấu dành chỗ ngồi. Tôi cũng tranh thủ ra sớm. Đã có vài chục khán giả nhí đang chí chóe dành chỗ. Sân khấu Dù Kê được ghép bằng ván gỗ chắc chắn, cao chừng 1 m. Trong chốc lát, khoảng trống khá lớn trước sân khấu đã chật. Mọi người đến khá nhanh, trong đó, không chỉ có người Khmer, mà còn cả người Hoa và người Kinh. Điều đó cho thấy Dù Kê có sức hút lớn như thế nào. Một số người mang theo chiếc ghế nhựa nhỏ, số khác ngồi bệt, xếp bằng trên lớp cỏ mịn, khá êm!

“Ở vùng Bảy Núi giờ chỉ còn ông Chau Men S’ray là còn giữ được cái hồn, cốt cách của nghệ thuật Dù Kê truyền thống. Đây là hạt ngọc quý của đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, nguồn nhân lực là một khó khăn lớn của sân khấu Dù Kê, người học ngoài năng khiếu còn phải có sự đam mê, kiên nhẫn. Hiện công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật Dù Kê chủ yếu bằng kinh nghiệm người trước dạy người sau chứ chưa được đào tạo bài bản. Dù Kê là loại hình sân khấu tổng hợp nên người viết kịch bản cũng phải có trình độ và am hiểu nghệ thuật biểu diễn. Vì thế, đội ngũ viết kịch bản Dù Kê hiện rất thiếu”, ông Chau Ti, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm.

Đêm diễn được bắt đầu bằng một bài hát cúng tổ. Tiếp theo là hát mời các vị thần, rồi đoàn diễn viên ra hát chào khán giả, biểu diễn một điệu múa. Cuối cùng, vở kịch bắt đầu. Vở kịch được biểu diễn bằng tiếng Khmer, dù chỉ bập bẹ vài câu tiếng Khmer, nhưng qua cử chỉ, nét mặt và tiết tấu vở kịch, tôi cũng hiểu nội dung vở kịch muốn chuyển tải.

Trong suốt hơn 4 tiếng diễn ra vở kịch ấy, tôi thấy bà con ngồi xem chăm chú, trật tự và rất hiếm khi có việc bình luận ồn ào. Lúc thì tất cả cùng im lặng thả hồn theo những lời hát mượt mà, tiếng nhạc du dương trầm bổng, lúc lại như sôi sục, ánh mắt, nụ cười rạng ngời trong đêm khi nghe âm thanh từ dàn nhạc ngũ âm cùng thúc dồn và lời ca hùng tráng. Có lúc, khuôn mặt họ lại buồn tê tái khi nghe tiếng kèn Srolai ai oán cất lên cùng tiếng khóc than của nhân vật… họ ngồi đó, xem đến hết. Tuyệt nhiên không thấy ai bỏ về giữa chừng. Kết thúc vở diễn, những cuộc tranh luận ồn ào mới bắt đầu.

“Một vở Dù Kê trung bình có độ dài từ 4 - 6 tiếng. Có cốt truyện từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc và sắp xếp theo chương hồi. Diễn viên hát và diễn nội dung, ý nghĩa của phần đó và phần hồi sắp diễn ra. Mỗi lời hát phải có nhạc và điệu múa minh họa. Người hát và người múa đều phải hóa trang thành nhân vật thích hợp.

Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù Kê rất phong phú và mang tính giáo dục cao. Các tích truyện diễn ra trên sân khấu Dù Kê, về cơ bản luôn đề cao đạo lý con người, có tính hướng thiện, ca ngợi cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu, kết thúc có hậu. Lối diễn Dù Kê tự nhiên và rất thật, đơn giản, dễ hiểu, người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù Kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện”, gặp tôi sau buổi diễn, nghệ nhân Chau Men S’ray nói.

Nhớ lại cảnh hàng trăm con người ngồi lặng phắc, say mê “nuốt” từng lời, dõi theo từng động tác múa của diễn viên trên sân khấu, “sống” với từng số phận, con người trong vở kịch, tôi tin Dù Kê sẽ mãi trường tồn, sẽ là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer nói riêng, của dân tộc Việt nói chung.

Du lịch, GO! - Theo Phúc Lập (báo Nông nghiệp) + ảnh bổ xung từ internet