Dào San là xã vùng Biên giới cách trung tâm thị xã Lai Châu chừng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú của 5 dân tộc anh em Mông, Dao, Thái, La Hủ, Hà Nhì. Đây cũng là nơi ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, khiến cho du khách đã từng đặt chân tới đều hết sức ngỡ ngàng…
< Trên đường lên xã Dào San.
Dào San là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Quan hỏa, theo ngôn ngữ của người Mông nơi đây: “Dào” có nghĩa là làng, “San” gọi theo tên vùng. Có thể hiểu Dào San là một vùng đất không cao, không thấp, với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.
Trên chuyến hành trình về cao nguyên Dào San, du khách đi qua địa phận xã Mường So, huyện Phong Thổ. Đến đây, du khách có thể dừng chân để tham quan hang Thẳm Tạo, miếu Nàng Han và bản văn hóa du lịch Vàng Pheo để trải nghiệm cuộc sống qua cách sinh hoạt bình dị của người dân nơi đây. Tuyệt vời hơn là du khách có thể cùng thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị thái như: cá bống vùi tro, sâu đá, rêu đá, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp lá vả, canh rau đắng và giao lưu văn nghệ cùng bà con dân bản.
Tạm biệt mảnh đất Mường So du khách có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình qua những cung đường uốn lượn với núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, thoát ẩn thoát hiện trong màn sương sớm là những ngôi nhà truyền thống thanh bình dưới thung sâu, vất vưởng trên những triền núi, thấp thoáng đâu đó ta thấy những bộ trang phục sặc sỡ của những cô gái Mông đang làm nương… Ấn tượng khi về với Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận với những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng bồng bềnh, với những dòng suối róc rách chảy, với vùng đất có những em bé địu nước tất tả dọc đường. Tất cả đều từ từ hiện lên như những thước phim quay chậm về thiên nhiên tươi đẹp của mảnh đất này.
Đến với cao nguyên Dào San, du khách sẽ được thưởng thức loại hình du lịch mạo hiểm khi ghé thăm “Đồi Nghiêng”, cách trung tâm xã Dào San chừng 1km về phía Tây Nam, với độ cao 1800m so với mực nước biển. Đây là một trong những địa điểm sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị xen lẫn mạo hiểm khi lần qua những vách đá tới cổng trời để có thể tha hồ phóng tầm mắt của mình ngắm nhìn khung cảnh phía xa xa với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi. Chỉ khi đến nơi đó du khách mới thấy hết sự cần cù và chịu khó của người dân sinh sống trên mảnh đất Dào San để tạo nên một kiệt tác ruộng bậc thang vững chắc trường tồn với thời gian.
Và rồi du khách có thể tiếp tục cuộc hành trình đến với phiên chợ mang tên “Dào San” trên đỉnh Chùng Sủa Dằn. Một phiên chợ mang nét văn hóa chung của vùng cao Tây Bắc, nơi giao thoa những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống Việt. Bà con đến chợ với những đặc sản giản đơn của núi rừng, từ gùi ngô, chút gạo thơm lựng, chút mộc nhĩ, cả những mớ rau rừng, nhiều nhất vẫn là các sản phẩm thủ công được bày bán khắp nơi trên các sạp hàng của người Mông, Dao, Kinh… Có thể nói, “Chợ phiên Dào San là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ vùng cao”.
Đến Dào San du khách có thể ghé thăm “Hồ Rồng” thuộc bản Hợp III, qua chợ Dào San khoảng 100m đi theo con đường dân sinh, len lỏi qua những ngôi nhà truyền thống của người Mông để có thể nhìn ngắm dòng nước trong xanh phẳng lặng. Dưới gốc cây cổ thụ ven hồ vẫn còn nguyên vẹn hòn đá mài và hai chiếc ghế của một đôi vợ chồng (sau này hóa thành rồng bay về trời). Đây cũng là một trong những nơi gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của bà con vào các dịp lễ Tết.
Không dừng lại ở đó, nếu đến với Dào San vào dịp mùa xuân, du khách còn có dịp tham gia các lễ hội cùng người dân bản địa nơi đây như lễ hội: “Gầu Tào” được tổ chức vào ngày mồng 4 đến mồng 6 âm lịch hàng năm, được tham gia các trò chơi dân gian cùng bà con dân bản như Tu Lu, ném Pao, ném Còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy và tục “kéo vợ” rất thú vị.
Có lẽ Dào San không chỉ đẹp trong màu xanh của núi đồi, màu vàng của đất, của lúa mới, màu đục của sương sớm mà ta còn thấy được cái đẹp nơi tâm hồn đồng bào vùng cao với cử chỉ ân cần, thân thiện đón khách. Và ở nơi đó vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống trong những câu hát, điệu múa cổ, các nghi lễ truyền thống, các làng nghề thủ công đang được lưu giữ trong từng nhịp thở của cuộc sống. Nhưng để lại ấn tượng nhất vẫn là nghề dệt vải truyền thống, nơi mà bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng cao được thể hiện, bên cạnh đó còn có nghề rèn, đan lát, nghề nấu rượu ngô…
Về với Cao nguyên Dào San, du khách không chỉ được chìm đắm trong phong cảnh thiên nhiên hữu tình, một không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống của người Mông. Mà du khách còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cảm nhận cái chân chất, mộc mạc của những con người sống nơi vùng cao biên cương.
Du lịch, GO! - Theo Tạp chí Làng Việt, ảnh internet