Núi Cột Cờ, được xem là cái nôi trong đời sống tâm linh của người dân xứ Mường Bi ở Hòa Bình. Ngọn núi gắn liền với sự tích “đẻ đất đẻ nước”, từng được xem là kho vũ khí khổng lồ của quân đội thời chống giặc ngoại xâm...
Sự tích núi thiêng
Mảnh đất người mường nơi núi rừng Hòa Bình tự bao đời nay vẫn vậy, luôn là địa điểm hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá những câu chuyện độc, lạ. Trong một chuyến công tác lên tận xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, một xã nằm vắt vẻo lưng chừng núi, nơi được mệnh danh là thung lũng mây giữa núi rừng Hòa Bình, chúng tôi đã được người dẫn đường là cô Đặng Thị Kem giới thiệu cho rất nhiều địa điểm thú vị, được xem là những biểu tượng tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người dân xứ mường Bi nơi đây.
Trong số những địa điểm ấy, núi Cột Cờ thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã gây cho chúng tôi rất nhiều điều thú vị không chỉ vì cái tên, mà còn vì những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo... Hòa theo lời kể của cô Kem, chúng tôi dường như bị lạc vào một miền cổ tích, tôi bỗng có cảm giác háo hức, chờ đợi giống như một đứa trẻ mỗi tối về chờ đợi bà nội kể cho nghe những câu chuyện cổ tích trước khi chìm vào giấc ngủ sâu.
Theo truyền thuyết mà người dân nơi đây truyền miệng lại từ bao đời nay kể lại rằng: Ngày xưa trong vùng xuất hiện một ông thầy rất giỏi về thuật phong thủy, thấy người dân trong vùng khó khăn, nghèo khổ, ông ta phán rằng, muốn được ấm no, cơm gạo đầy nhà thì cần phải tìm một đôi vợ chồng khỏe mạnh, tháo vát để lãnh đạo dân chúng khai hoang, lập địa. Khi đó, ở một bản làng thuộc xứ mường Bi có vợ chồng ông Tùng, nổi tiếng khắp nơi bởi người chồng có sức mạnh vô địch, chăm chỉ, người vợ thì xinh đẹp, tháo vát, vì vậy đã được dân chúng tiến cử để lãnh đạo quá trình khai hoang, lập địa xứ mường. Theo như lời chỉ dẫn của thầy phong thủy, vợ chồng ông Tùng đã ngày đêm không quản khó khăn, vất vả lãnh đạo dân chúng đắp đập chặn dòng nước sông Đà với hy vọng mở rộng thêm đất canh tác cho vùng đất này.
Sau một quá trình hăng say lao động, người dân đã khai hoang, mở rộng thêm rất nhiều diện tích để sản xuất. Những núi đồi hoang vu trước kia giờ đây đã được san phẳng thành những cánh đồng đỏ nặng phù sa, cây cối xanh tốt. Trong quá trình đắp đập, mở sông, người chồng khỏe hơn nên đã đắp xa hơn vợ một khoảng cách khá lớn. Lúc này, ông Sắt -một người đàn ông cũng lực lưỡng không kém ở vùng lân cận đi ngang qua, thấy vợ ông Tùng xinh đẹp như đóa hoa rừng, bèn nảy sinh ý định cướp nàng về làm vợ. Lợi dụng lúc ông Tùng đang hì hục đắp đập ngăn đê, ông Sắt nhanh như cắt lao tới quắp vợ ông Tùng “ba chân bốn cẳng” chạy hộc tốc.
Nghe tiếng vợ ông gọi kêu cứu, ông Tùng hốt hoảng tức tốc đuổi theo. Ông Chạy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia, bật từ cánh đồng này bay qua cánh đồng kia từ ngày này qua ngày nọ. Trong quá trình chạy, ông Tùng đã bị sa lầy, càng cố vùng vẫy càng bị lún sâu.
Khi đó, ông đã cố vơ hết đất đá xung quanh ném về hướng ông Sắt nhằm chặn bước chạy của kẻ cướp vợ mình nhưng không được. Những hòn đá khi ông Tùng ném đi ngày nay biến thành những ngọn núi cao chạy dọc từ Hòa Bình về Thanh Hóa. Còn ông Sắt trong quá trình quắp theo người đẹp chạy trốn cũng bị sa lầy ở xóm Trù, xã Mỹ Hào, huyện Tân Lạc, Hòa Bình ngày nay. Hình ảnh núi Trù giờ đây có hình dáng tựa như hình ảnh người đàn ông đang “quắp” một người phụ nữ. Đây được xem như sự tích “đẻ đất đẻ nước” của người mường nơi đây.
Ngọn núi tàng hình dưới mưa bom?
Trong quá trình tìm hiểu và khám phá những câu chuyện kỳ thú xung quanh biểu tượng núi thiêng Cột Cờ, PV đã được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị khác. Theo như ông Bùi Anh Xuân, cán bộ văn hóa xã Phong Phú cho biết: Núi Cột Cờ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từng là kho cất giữ vũ khí bí mật của quân đội ta. Sở dĩ nơi đây được chọn xây dựng các căn hầm bí mật để cất giữ vũ khí vì địa hình khá hiểm trở và độc đáo.
Khu vực núi đá rộng khoảng gần 1000m², bên cạnh ngọn núi Cột Cờ là một hệ thống các hang động chằng chịt. Những núi đá này có đặc điểm chung đều có hệ thống hang động. Giữa các núi đá được thông với nhau bởi những lối đi tắt ngoằn ngoèo tạo nên một hệ thống địa đạo rất độc đáo. Với chi chít những ngọn núi nhỏ bé rải khắp các vùng mường đã tạo nên một “ma trận” để có thể đánh du kích và vận chuyển vũ khí, đạn dược từ ngọn núi này đến ngọn núi kia nhanh chóng, thuận lợi. Hệ thống núi đá có độ cao vừa phải, vì vậy địch thường không để ý. Người dân bảo rằng, núi Cột Cờ nằm trong “bàn cờ ma trận” ấy nên rất bí mật.
Núi Cột Cờ là một trong những ngọn núi hiếm hoi không bị bom đạn của giặc tàn phá như những ngọn núi lân cận. Nhờ vậy, những kho vũ khí mà quân đội ta cất giấu nơi đây đã phục vụ rất lớn cho 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn. Trên mảnh đất Hòa Bình, còn rất nhiều ngọn núi khác được lựa chọn để cất giấu vũ khí, đạn dược. Cái tên Cột Cờ bắt nguồn từ hình dáng thẳng đứng, nhìn từ xa như cột cờ.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Bích, chủ tịch xã Phong Phú cho biết: Núi Cột Cờ là một trong những biểu tượng văn hóa đẹp của vùng đất nơi đây. Những cái chết xảy ra ở đây chỉ là do sự trùng hợp hoặc là những tai nạn do người dân không cẩn thận. Còn vấn đề xuất hiện những con vật lạ mà người dân cho là vật thiêng thì đó là chuyện bình thường, vì đây là núi rừng hoang sơ.
Du lịch, GO! - Theo GiadinhNet, ảnh internet