Đi tìm lộc của Trời

5 giờ sáng, chúng tôi leo lên chiếc ghe máy của anh Lê Văn Dũng (tự Bôn, sinh năm 1987, ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang). Dòng sông còn ngủ yên trong ánh bình minh vừa hé, nên con nước dịu dàng đưa chiếc ghe xa bờ. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm “lộc của trời”…

Nói hoa mỹ thì vậy, còn nôm na là chúng tôi theo anh Dũng đi… cào hến. Từ bấy lâu nay, con hến nhỏ bé ấy đã trở thành nguồn sống dồi dào của hàng chục hộ dân ven dòng sông Hậu, khu vực ấp Vĩnh Quới này. “Ngày xưa, cha tôi được gia đình “truyền” lại nghề bắt cua mò ốc dưới đáy sông. Thời điểm ấy, ốc nhiều vô kể, đủ nuôi sống cả chục miệng ăn.

Trong những buổi bắt ốc, cha tôi cào được hến nữa, nhưng ông thả chúng xuống sông, vì ông nghĩ chúng chẳng bán được bao nhiêu tiền. Dần dần, ốc trở nên khan hiếm. Ông lại lặn lội mò hến để kiếm miếng cơm, và đánh đổi bằng sức khỏe của chính mình.

Năm 12 tuổi, tôi quyết định nghỉ học, xuống sông phụ giúp cha. Tôi không đành lòng nhìn ông nai lưng ra làm lụng vất vả như vậy. Đến bây giờ, tôi đã có 15 năm trong nghề, gắn bó với con hến đến mức không thể dứt ra được. Nhiều lần, tôi muốn chuyển sang nghề khác, nhưng không quen. Làm thuê trên bờ, tôi bị mất sức dữ dội. Kỳ lạ thật. Có lẽ, cào hến đã thành cái nghiệp của tôi mất rồi” – anh Dũng bắt đầu câu chuyện.

Phía bên cạnh, anh Lê Văn Hiền (sinh năm 1992, em ruột Dũng) chăm chú điều khiển ghe. Tiếng ồn của động cơ buộc chúng tôi phải leo lên mui ngồi trò chuyện, nghe những cơn gió đầu ngày ùa vào tóc. Anh Dũng kể, mùa cào hến kéo dài từ tháng 8 âm lịch đến giữa năm sau. Lúc cao điểm được giá, hến nguyên vỏ được thương lái mua 2.000 đồng/kg, hến quậy (tức hến luộc bỏ vỏ, theo từ trong nghề - PV) có giá 15.000 đồng/kg.

Hết mùa, hến ít đi, nhưng giá cũng tuột xuống vài nghìn đồng/kg – cái nghịch lý của nghề là vậy. Những lúc đắt, mỗi ngày gia đình anh kiếm vài trăm nghìn dễ như bỡn. Nhưng đến lúc ế lay ế lắt, anh cũng buộc phải quần nát con sông Hậu, kiếm được mớ nào hay mớ đó, vừa để giữ mối với thương lái, vừa có đồng ra đồng vào, vừa đỡ buồn chân tay.

“Nhiều người thấy cào hến có lời quá, họ sắm sửa khoảng 40 triệu là có thể “ra nghề”. Nhưng đi cào hến rồi, mới thấy nghề chua chát lắm, phải kiên trì mới sống được. Có nhiều khi tụi tôi phá huề, đi về không có hến, lỗ luôn tiền xăng dầu. Mình phải chấp nhận đi xa, tới tỉnh này tỉnh khác, miễn có hến là được. Quần quật từ khuya đến 9-10 giờ tối, buông tay ra là người mệt rã rời. Khoảng 40 tuổi, sức yếu là phải bỏ nghề. Đâu phải hưởng lộc trời là an nhàn?” – anh Dũng vuốt lại mái tóc, nhìn xa xăm.

7 giờ sáng, chúng tôi đến khúc sông Hậu khu vực xã Châu Phong (thị xã Tân Châu). Anh Dũng chui vào lòng ghe, mở nồi cơm và ít đồ ăn vẫn còn ấm: “Bữa sáng của anh em tôi nè! Ngày nào cũng vậy, giờ này tụi tôi ăn một lần, đến trưa cào hến xong mới ăn nữa. Làm nghề này cần  sức dữ lắm”.

Sau khi đã xong bữa, cả hai bắt đầu chuẩn bị đồ nghề, thay quần áo, đeo găng tay rất cẩn thận, đề phòng bị hến cắt. Chuẩn bị thả lưới, chợt một chiếc ghe cào hến khác chạy trờ đến, bỏ nhỏ: “Khúc này hết rồi, cào không có đâu! Đi theo tui, tui mới phát hiện có chỗ còn nhiều lắm. Mấy bữa nay, thằng T. nó lén cào, trúng mánh quá trời”. Anh Dũng vội lui ghe, theo sau chiếc ghe kia.

Thấy chúng tôi lấy làm lạ vì mẩu đối thoại, anh xoa đầu: “Thật ra, trong nghề nào cũng cần phải có mánh mung. Nghề cào hến tụi tôi sống nhờ lộc trời sinh. Nhưng ai cũng đổ xô đi cào, riết rồi hến không còn bao nhiêu. Để có miếng ăn, tụi tôi phải biết cách giấu “chỗ làm ăn” của mình, nếu để “bể” ra là coi như đói. Người ta đi cào từ lúc 3-4 giờ sáng, anh em tôi thì 5 giờ mới thủng thỉnh xuống ghe đi. Nhưng lúc nào số lượng hến tụi tôi cào được lại nhiều hơn họ.

Những ngày cao điểm, tụi tôi chở về 40-50 giạ là bình thường (1 giạ khoảng 35kg). Thấy vậy, họ cũng theo dõi coi mình đi đâu. Tụi tôi chạy khoảng một đoạn, rồi tấp nhanh vào khúc cua nào đó trốn, đến khi họ đi khuất mới trở ra. Tuy nhiên, cạnh tranh thôi vẫn chưa đủ. Mình phải biết quan sát xem chỗ nào có hến, đánh dấu và “dưỡng” nó.

Dân trong nghề, chỉ cần nhìn con hến là biết nó ở vùng nào, nhờ đặc điểm vỏ hến. Nhưng cả một khúc sông rộng, nhiều khi mình kiếm không kỹ sẽ chẳng thấy. Hến thường nằm cách bờ tối đa vài chục mét, nhưng có khi chỉ vài mét, phải quan sát và phán đoán mới chính xác được.

Công sức mình đổ ra nhiều như vậy, chỉ cần bị ai đó hớt tay trên là vất vả vô cùng. Đâu phải ai cũng biết nương tựa vào nhau mà sống đâu… Chỗ anh bạn mới chỉ là địa điểm người ta cào xong rồi, bỏ đi chỗ khác. Mình chạy tới, coi còn mót được chút nào không!”.

8 giờ sáng, anh Dũng và Hiền bắt đầu quăng mẻ lưới đầu tiên. Anh Dũng ngồi điều khiển ghe và ròng rọc thả lưới. Hiền đứng bên cạnh chiếc lưới, thi thoảng lắc mạnh để lường số lượng hến. Sau vài vòng đảo ghe nhanh, gắt, anh Dũng vội kéo lưới lên, cùng Hiền đổ vào ghe. Trời bắt đầu nắng gắt, “mồ hôi mẹ mồ hôi con” thi nhau túa trên thân hình của hai người thanh niên, nhưng vẫn không làm chậm công việc của họ.

Các động tác thả, đạp, cào, kéo, quăng, sàng lưới… được thực hiện nhịp nhàng, nhanh gọn, không một động tác thừa. Gần 3 tiếng sau, họ buông tay. Hến đã nằm gọn 2/3 ghe, với khoảng 20 giạ. Cả hai nhảy xuống sông, đắm mình trong dòng nước mát, đùa: “Thấy tụi tôi cào hến có giống ăn cướp không? Phải nhanh tay mới kịp con nước, mới kịp về nhà. Mình hơn mấy người trong nghề ở chỗ đó”.

Khi quay trở lại ghe, anh Dũng bốc một nắm hến trong tay, mỉm cười: “Bữa nay hến đẹp quá! Mình đi mót của người ta, được vầy là quá ổn!”. Mùi nồng nồng của hến chợt trở nên dễ chịu…

2 giờ chiều, chúng tôi trở về đến điểm xuất phát. Và đấy cũng là thời điểm bắt đầu một chuỗi công việc khác của xóm hến. Đàn ông phụ trách rửa hến, vác lên nhà. Phụ nữ ngồi quậy hến, lựa vỏ, hoàn thành các công đoạn cuối để đợi thương lái đến lấy. Tính ra, 1 giạ hến thành phẩm phải tốn 2.500 đồng tiền công, tạo công việc làm thêm cho nhiều lao động nhàn rỗi trong xóm.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi được anh Dũng và nhiều người dân ấp Vĩnh Quới mời dùng bữa cơm, dĩ nhiên là không thể thiếu món hến. Hến luộc, gói bánh tráng, chấm nước mắm, thấy vị ngọt tan mềm trong miệng. “Lộc của trời” ngọt ngào là thế, nhưng sao có chút mặn đắng ở đâu đây?

Theo Trưởng ấp Vĩnh Quới Nguyễn Văn Hạnh, hiện ở xóm hến có 30 hộ dân làm nghề cào hến. Tuy nhiên, do công việc trở nên khó khăn, nhiều người đã bỏ nghề. Ngoài việc hến ngày càng ít đi, người dân lại đối mặt với vấn đề tìm nguồn vốn để duy trì công việc, hoặc để chuyển sang nghề khác ổn định hơn.

Du lịch, GO! - Theo KHÁNH HƯNG (An Giang Online), internet