Xế ôm du lịch nghĩa là chở khách Tây bằng xe honda đi khám phá nhiều vùng đất ở Việt Nam. Mấy năm nay, nghề này nở rộ ở khu vực Miền Trung- Tây Nguyên. Các đội xe ôm được đăng ký bài bản thông qua các công ty du lịch. Có tour kéo dài hàng chục ngày đến khắp mọi miền đất nước.
< Cùng du khách xuất phát đi khám phá các vùng đất Việt Nam.
Các tài xế xe ôm đặc biệt này, nói tiếng Anh thành thạo. Thông qua những chuyến đi họ còn giới thiệu đến du khách quốc tế những vẻ đẹp, những thành tựu phát triển, những điểm đến hấp dẫn của dải đất hình chữ S...
Buổi sáng mùa hè, phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) nắng vàng rực, gió thổi miên man, rẽ vào đường Nguyễn Thiện Thuật ngồi chưa nóng chỗ thì từng tốp khách quốc tế tấp nập đến đăng ký đi tour bằng xe honda. Hơn 10 năm cưỡi "ngựa sắt” chở khách Tây rong ruổi đi khắp các bản làng, xế ôm Hoàng Đức khoe: "Cái nghề này không ngờ phát triển nhanh đến thế. Mới mấy năm trước chỉ là một nhóm xe ôm lèo tèo, giờ, riêng cái thành phố Nha Trang này đã thành hàng chục đội. Bắt đầu từ tháng 5 dương lịch đến tháng 7 là mùa bận rộn nhất, khách đặt tour kín lịch”.
< Khách Tây rất thích thú với các vùng đất đặt chân đến thông qua xe ôm.
Theo cánh xe ôm đặc biệt này, có những cuộc hành trình kéo dài hàng tuần lễ. Nhớ như in những chuyến đi đường dài từ mùa hè năm ngoái, xế xe ôm cự phách Trương Hậu giọng đầy tự hào: Đất nước Việt Nam mình đúng là một kho báu về văn hóa lẫn những điều kỳ bí. Nhiều khách Tây thốt lên, chúng tôi yêu vẻ đẹp hoang sơ của Việt Nam. Người dân tuy còn nghèo, nhưng sống rất có tình, hiếu khách.
Thường, sau khi nhận tour từ các công ty chủ quản, các tài xế đưa khách từ miền biển mênh mông nắng gió ngược lên xứ thượng cùng nhau trải nghiệm những cung đèo, những dãy núi chỉ có ở Việt Nam. Họ đưa khách đến thác Gia Long để hồi niệm về hai vị vua đầu tiên và cuối cùng của triều Nguyễn là Gia Long, Bảo Đại. Sau đó rong ruổi qua thác Đrây Nu hùng vỹ ầm ào như tiếng vọng của núi rừng Tây Nguyên. Nghiêng về phía tây, họ tiếp tục "phượt” vào Buôn Đôn để tận hưởng cảm giác cưỡi voi và ăn cơm lam bản địa. Có đôi lúc họ còn đưa khách lên tận miền biên giới Bờ Y để đắm say cũng những điệu múa xoong… hay thưởng lãm bình minh ló rạng trên hồ Lắk…
Yêu nghề gì đến si mê thì nghề đó chẳng phụ người, Trương Hậu bảo: "Những chuyến đi đôi khi không phải vì tiền mà còn để tăng thêm kiến thức vùng miền cho bản thân. Giống như đời người, nghề xe ôm này cũng có lúc thăng lúc trầm. Có lúc người ta cho rằng đây là phương tiện mất an toàn nên ế chỏng chơ. Nhưng cũng có những lúc đắt khách đến mức chẳng kịp sắp lịch. Hiện, thành phố Nha Trang có khoảng gần 100 tài xế xem ôm du lịch. Phần lớn người hành nghề này được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử, đặc điểm các vùng đất mà họ sẽ cùng du khách trải nghiệm. Bên cạnh đó, vốn tiếng Anh cũng được trau chuốt, vì đôi khi chính họ là sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đến với các du khách.
Jon LiSon, một du khách người Anh đã có hàng chục chuyến trải nghiệm Tây Nguyên bằng xe ôm háo hức: "Đã đi, đi hoài nhưng không chán. Chủ động được mọi tình huống, muốn dừng lại điểm nào là dừng được ngay. Đặc biệt, với chiếc xe honda chúng tôi có thể xuyên vào từng con đường mòn nối với các bản làng thanh bình nhưng ẩn chứa nhiều thú vị”.
Khác với xe ôm ở nhiều nơi khác, các xế ôm du lịch ở Khánh Hòa luôn thường trực niềm vui và sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại, ngắm cảnh của du khách trên tất cả các chặng đường. Nhiều thành viên nhất có lẽ là đội xe ôm của công ty TNHH Cao Nguyên (đường Nguyễn Thiện Thuật). Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này nên hầu hết du khách quốc tế đều tìm đến. Ông Huỳnh Thanh Phong, cán bộ công ty khẳng định: "Làm cái gì cũng cần có chất lượng và chữ tín. Nếu chụp giật thì khách chỉ đến với mình một lần rồi thôi. Nguyên tắc vàng của công ty chúng tôi là tận tuy - chu đáo - nhanh chóng và cặn kẽ. Trong quá trình đi đường nếu tài xế cố tình gây rắc rối hay vòi vĩnh du khách thì sẽ bị công ty xử lý nghiêm”.
Nhiều tài xế xe ôm cho biết; nghề này tuy vất vả, cực nhọc nhưng cũng rất đáng trân trọng. Mỗi mùa du lịch, thu nhập từ nghề cũng đủ để họ trang trải chi phí sinh hoạt, chu cấp cho con cái ăn học. Vào dịp hè, dịp Tết trung bình mỗi ngày các tài xế xe ôm đặc biệt này được trả công 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Bao nhiêu chặng đường, bấy nhiêu kỷ niệm. Mỗi tên đất, tên miền đã để lại trong họ những dấu ấn không thể nào quên.
Một điểm nổi bật ở những tài xế xe ôm ở Nha Trang là họ không xô bồ, chèo kéo, giành giật khách. Anh Huỳnh Thanh Phong tâm sự: "Dù vốn tiếng Anh còn hạn chế, nhưng tiếp xúc với những vị khách này, chúng tôi học thêm được nhiều thứ. Hóa ra đi xe ôm cũng có thể nâng cao trình độ văn hóa. Hơn nữa, kết thúc mỗi chuyến đi, có khách du lịch còn cho địa chỉ và hứa sẽ đón tiếp khi sang thăm nước họ. Nhiều du khách còn cố học được mấy câu xã giao tiếng Việt như: tôi yêu Việt Nam, tôi yêu các bạn, xin chào…để đáp lại sự nồng nhiệt và yêu mến của người dân Việt Nam tại mỗi nơi họ đi qua.
Du lịch, GO! - Theo Đại Đoàn Kết, Người Lao Động...