(Tiếp theo) - Rời Hòa Thắng, bọn mình hướng về Mũi Né. Vùng biển và đồi cát xinh đẹp này bọn mình đã ghé nhiều lần, thậm chí ở lại rất nhiều ngày nhưng Mũi Né vẫn còn tiềm ẩn nhiều bí mật mà hai kẻ phượt này chưa từng đặt chân đến.
< Rời Bàu Trắng, bọn mình hướng về Suối Nước.
Ví dụ như 'tiêu điểm 1' ở Bàu Trắng, những đồi cát mênh mông và bãi biển cực kỳ hoang sơ ở khu vực Mũi Yến Hồng Chính, mỏm đá Tannobi (tên do forum Xehoi đặt), những đồi cát trắng và đỏ nằm sâu trong vùng phía Đông Bắc Bàu Trắng. Lại còn cả vùng Suối Nước đầy resort nhưng hoang vắng nữa...
< Nhưng trước khi đến Suối Nước, mình phải ngang qua thôn Hồng Chính (tên cũ là Thiện Ái). Thôn này chưa bao giờ đến, vậy nên bữa nay sẽ vào xem sao. Ảnh là đường vô thôn.
Vậy thì trong chuyến ngắn ngày này, mình sẽ đến Suối Nước xem nơi này ra sao. Còn nếu có thể, ta trèo lên được một phần Hòn Rơm thì tuyệt! Nhưng trước tiên, mình sẽ trình bày sơ qua về vùng biển Mũi Né cái đã.
< Chạy ngang đồn biên phòng xã Hòa Thắng.
Mũi Né là tên một mũi biển, một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Ngày nay, Mũi Né là một phường thuộc thành phố Phan Thiết với tổng diện tích là 35,41 km², dân số tăng mạnh và đang hình thành đề án nâng cấp thành thị xã của tỉnh Bình Thuận.
< Mình vẫn 'thẳng tiến' thì gặp cái công trình du lịch bỏ hoang này. Đường có, cổng có, điện cũng có luôn nhưng cửa đóng then cài. 'Nửa kia' xuống kéo thử cổng nhưng nó bị khóa cứng, chống các kẻ đột nhập như cái... bọn mình (ha ha).
Không vào được, mình rẽ phải xuống làng chài.
< Đường xuống bãi biển ở thôn Hồng Chính thế này đây.
Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất đưa ra biển; "Né" có nghĩa là để né tránh. Người ta cũng cho rằng tên gọi 'Mũi Né' xuất phát từ công chúa Út của vua Chăm là công chúa Chuột - tương truyền vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc um tùm. Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nan y, về sau xây dựng miếu Am để tu tại Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né - lâu dần người dân đọc trại chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út - Mũi là mũi đất đưa ra biển.
< Ngoằn ngoèo, dốc dựng nhưng đoạn cuối mát rượi giữa những áng cây xanh + gió lộng từ biển.
Từ nội thành Phan Thiết ra Mũi Né khoảng 22 km theo lộ trình: Thủ Khoa Huân - Nguyễn Thông - Nguyễn Đình Chiểu - Huỳnh Thúc Kháng - TL716. Trên cung đoạn này có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, nơi tham quan nằm rải rác trên đường. Việc tập trung như thế này khiến cho đường ra Mũi Né thêm phần hấp dẫn. Thứ tự từ hướng TP HCM đi ra như sau:
< Bãi biển làng chài thôn Hồng Chính đây, thuyền và thúng giăng đầy.
- Nhà ở Mộng Cầm - một trong những người tình của Hàn Mạc Tử nằm tại số nhà 300 đường Trần Hưng Đạo.
- Sông Cà Ty với Tháp nước Phan Thiết.
- Vạn Thủy Tú.
- Trường Dục Thanh.
- Chợ Phan Thiết.
- Tháp Chăm Phú Hài - Tháp Pôshanư.
- Lầu Ông Hoàng...
< Mình tấp vào quán cà phê cóc với cốt ý tìm chỗ nghỉ chân và nhìn ngắm. Kêu một nhưng chị chủ lỡ làm 2 ly cà phê đá nên mình bao sòng luôn.
- Núi Cố với mộ Nguyễn Thông.
- Bãi đá Ông Địa.
- Rặng Dừa Hàm Tiến (Rạng).
- Khu resort cao cấp.
- Suối Tiên.
- Làng chài Mũi Né
- Đồi Cát Mũi Né.
- Hòn Rơm.
...
< Từ góc này nhìn về hướng Nam, một góc ảnh kỳ lạ vì ta có thể thấy xa xa là Hòn Rơm trên biển. Mé trong là tường rào của cái khu du lịch gì đó mà khi nãy thấy khóa cửa.
Bãi biển Mũi Né được chia ra làm nhiều khu vực có thể kể gồm:
- Biển Phú Hài: kéo dài từ Romana resort đến bãi đá Ông Địa. Khu vực có nhiều resort cao cấp, có khu Sea Links City với sân golf.
- Biển Hàm Tiến: Từ bãi đá Ông Địa đến khu Bờ Kè, chạy dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu. Nơi được gọi là 'trung tâm resort', rất nhiều trong số đó của người Nga đầu tư kinh doanh, còn được gọi là 'phố Nga'.
< Hết ly cà phê, ngắm nghía và tán phét thỏa rồi thì đi. Dưới bãi, bạn chài vẫn thi thoảng cập bờ, hải sản vừa đánh bắt được chứa trong các thùng nhựa đem lên.
< Dốc lên khá cao chắc tầm 10°, lại đánh vòng... nhưng mình quen rồi.
- Gành Mũi Né: Nằm phía Đông Nam Mũi Né, ngày nay không chỉ có KDL Gành đã có từ xưa mà con có những KDL khác từ 3 đến 4* như Mũi Né Bay resort, The Sailing Bay Resort & Spa. Tận cùng phía Nam có ghềnh đá Mũi Né khá đẹp.
< Chạy trở ra ngã 4, mình lại rẽ phải để vào ngõ có ngôi chùa trước đó đã thấy. Đây là chùa Bình Sơn thuộc xã Hòa Thắng. Cũng tại xã này còn có chùa Bình Nhơn, chùa ni ngự ở đoạn giữa hai bàu nước ngọt là Bàu Ông và Bàu Bà.
- Khu vực bãi biển Suối Hồng: nằm ở phía Đông Mũi Né kéo dài từ đường Chế Lan Viên (cảng cá) đến dốc đèo Hòn Rơm. Nơi đây cũng có nhiều resort, nhà nghỉ bình dân, nhà hàng... cả những khoảng bờ biển trống như đường dân sinh.
< Chạy đến mặt tiền chùa, nhánh đường rẽ sang phải. Mình quẹo theo và gặp những chú 35 thả rông trên đường.
Cuối đường gặp cổng gác có bảo vệ, đây chính là Anariya Resort & Spa, vắng teo.
Về lại tiếc, giá như cứ tấp vào trò chuyện với anh bảo vệ đang cô đơn giữa khung cảnh cô đọng, biết đâu 'nửa kia' sẽ vào săn được ít tấm hình hay hay (vị trí nơi này).
< Trở ra ngã 4, bọn mình theo TL716 đi Mũi Né. Vòng cua cuối của đường tỉnh lộ, đoạn thấy biển đây.
- Bãi biển dốc đèo: Đây là vùng bãi biển chạy sát mép đường TL716 từ Mũi Né đi Hòn Rơm. Biển đẹp nhưng không có kinh doanh hay nhà nghỉ nào (do không có đất ven biển).
- Biển Hòn Rơm: bắt đầu từ dự án Sunny Villa đến Hòn Rơm với nhiều khách sạn, KDL, nhà nghỉ giá mềm. Cuối bãi có phiên chợ ăn uống trên bãi biển, đây là chốn đông vui được nhiều bạn trẻ yêu thích.
< Đoạn chạy sát biển, vài năm trước khai thác titan hà rầm nhưng nay đã hết rồi, nhiều đoạn được phủ kín rừng dương.
- Khu vực Suối Nước: Bắt đầu từ bãi đá Hòn Rơm (phía Bắc Hòn Rơm) đến... vô tận - tức là khi không còn thấy nhà nghỉ nhưng vẫn thấy bãi biển. Khu vực này có rất nhiều KDL, khách sạn - một số đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ lâu nhưng có một số dang dở, bỏ hoang.
< Chạy đến ngã 3 Suối Nước thì mình rẽ vào (ngã 3 này tại đây) con đường nhỏ chạy song hành với bãi biển, cả với TL716.
- Khu vực bãi biển Hòn Nghề: Kéo dài từ bãi titan cũ ngang Hòn Nghề, đế tận phía Tây Nam thôn Hồng Chính. Vài năm trước, vùng biển này là nơi khai thác titan khiến nơi đây tan hoang cả một vùng biển đẹp. May mắn là sau khi khai thác xong thì khu vực biển này được san bằng và trồng dương... và hiện nay đã xinh đẹp và thơ mộng lại rồi.
< Trên con đường nhỏ này có rất nhiều nhà nghỉ, resort (chắc không sao!) nhưng đa phần đều đóng cửa hoặc có số điện thoại để liên lạc: khách đến thì... kêu!
Vậy nhưng tuyến đường có cả xe buýt do bên trong là khu dân cư nhỏ.
< Rồi mình ghé đại vào Biển Đông, mấy năm trước chắc huy hoàng nhưng nay chữ 'resort' đã ngã màu...
Dọ giá, hi hi... 200k/ngày. Bọn mình trả 150k > bà chủ đồng ý. Vậy là bọn ta đi xem thử phòng.
< Khuôn viên Biển Đông 'resort' rất rộng, do mình có hành lý nặng nên chạy xe vào đến phòng luôn. Thoạt đầu, bà chủ chỉ căn ngoài, bọn mình đòi ở ngay bãi biển - bà cũng ok.
Vị trí nơi này tại đây.
< Qua cái cầu nhỏ xinh...
- Bãi biển Núi Hòn Hồng: Từ cuối thôn Hồng Chính đến Mũi Yến Hồng Chính. Khởi đầu bằng Anariya Resort rồi vượt qua những bãi hoang, đến dự án resort của CTy South Fork (cũng bỏ hoang) và chấm dứt bở mũi đá. Ngoài resort duy nhất (có bảo vệ canh) thì những nơi còn lại đều hoang vắng.
< ... rồi rẽ qua dẫy phòng sát biển.
- Bãi biển phía Nam Hòa Thắng: Kéo dài từ Mũi Yến Hồng Chính đến mỏm đá Tannobi, đối diện với vùng đồi cát rộng mênh mông, rất hoang vắng nhưng để ra được nơi ấy không dễ dàng gì. Có điều nếu đến được thì khung cảnh nơi đây sẽ là sự tưởng thưởng cho công sức bạn bỏ ra.
< Gọi là phòng nhưng chúng chính là các bungalow, tức là những căn riêng biệt, rất rộng.
Bungalow lợp mái lá (mùa mưa chắc phải lợp lại vì có 1 chỗ thấy... sao đêm), trong phòng có những 2 giường đôi, 1 giường chiếc. Có TV ê a, có tủ lạnh nhưng bị hơi biển làm mục cửa. Khóa cửa phòng cũng bị biển 'ăn' luôn, phải khóa bằng ổ bấm (he he). WC toàn đồ Inax nhưng bám phèn (do nước giếng), máy nước nóng tịt vì hơi nước mặn... nhưng vẫn phun mạnh. Vòi lavabo phun vài tia như... chó tè, mình dùng tăm nhọn chọt vài lỗ thì nó phun ầm ầm. Vậy nhưng máy lạnh vẫn chạy rất tốt với remode đàng hoàng.
< Bungalow nhìn xuống bãi biển này: bãi dài như vô tận, sạch và rất hoang sơ.
Nói chung, với giá 150k/ngày: có lẽ bọn mình sẽ không chỉ ở đây 2 ngày đâu!
< Ông Tây trẻ ngụ ở căn bên cạnh đang ngồi đọc sách trong khung cảnh yên bình.
- Từ bãi đá Tannobi đến tận Hòa Phú (Phan Rí) là bãi biển hoang, đa phần khu vực này dân chài thả các dàn câu tôm giống trên phần biển ngoài, cảnh sắc đẹp, rất thưa người.
< Chỉ vài bước chân là xuống ngay bãi biển, sóng vỗ ì ấm - còn gió ở đây thì mạnh kinh khủng: chỉ mở cửa phòng ra là các thứ áo quần của mình đặt trên giường có thể bay lung tung.
< Dưới biển nhìn lên nhà ta, gió lúc nào cũng lồng lộng...
Lúc này đã xế chiều.
< Ở căn đầu bìa là ông Tây khác, bọn mình gọi là ông... Hindu do trông giống Ấn Độ. Ông này có 'bà đầm' đi theo, dáng Tây da trắng, khá xinh và trẻ trung.
Nói thật, hồi đầu thấy ông này thì 'nửa kia' khiếp vía vì trông hình dáng ngoài của ổng... quá ngầu. Vậy nhưng sau vài lần gật đầu chào hỏi, hóa ra ông ta cũng hiền. Cách chào của ông Hindu là chấp 2 tay xá.
< Ông Tây già ngồi hóng gió ở phòng bên cạnh, ông này ở chung với ông trẻ đọc sách khi này.
Trước nay, ở mọi vùng biển bọn mình đã qua, chuyện tắm biển không nhiều - thậm chí có nhiều chuyến đi biển nhưng không hề tắm biển lần nào.
Chuyến này thì khác: ở bao ngày tắm cũng bao lần và mỗi lần dzọc nước hàng tiếng do biển đẹp quá, lại thuận tiện nữa vì biển chỉ cách ta vài mươi bước chân, nước lại không lạnh dù gió thật vũ bão.
< Tắm biển, tắm lại xong thì xách xe đi tìm bữa chiều.
Mũi Né đi nhiều, vậy nên những chốn ăn rẻ, bình dân thì bọn mình đều đã trải qua. Ăn bánh canh cá (15k có giò) ở Suối Nước thì gần nhưng không phong phú như trước chợ Mũi Né. Có xe, xa gần ta cứ đi.
Đây là những ngày lý thú nhất trong chuyến đi, một thời gian nhàn hạ như an dưỡng...
Bài sau mình sẽ bàn về chuyện ăn uống ở Mũi Né nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!