Du ký trên bản vùng biên Tà Vờng

(QBTV) - Bản Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào.

Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, mấy chục nóc nhà sàn ở Tà Vờng như những nốt nhạc giữa núi rừng hùng vĩ mờ trong làn mưa, trông vô cùng lãng mạn.

Vốn trước kia bản Tà Vờng ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con. Đặc biệt, năm 2010, cả một mảng núi phía sau bản bị kéo tuột xuống suối, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và nhà cửa của mọi người.

Nhận thấy những hiểm họa có thể đổ xuống bản bất cứ lúc nào, chính quyền và Bộ đội Biên phòng đã vận động bà con dân bản di chuyển khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi nhỏ nằm sát bên bản Dộ.

Những ngôi nhà sàn mới vững chắc, khang trang được xây dựng từ chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình thực hiện, bằng nguồn vốn do Công ty Cảng dịch vụ dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ được khánh thành vào đầu năm 2012.

Đón chúng tôi dưới cơn mưa đầu mùa bằng cái bắt tay và nụ cười xởi lởi, Trưởng bản Hồ Khiên không giấu được cảm xúc: “Mừng quá, mưa thế này mà mọi người vẫn lên được, mình cứ tưởng nước ở mấy cái ngầm kia sẽ làm nản lòng người dưới xuôi rồi, nếu mà như vậy thì buồn lắm”. Nói rồi ông ra hiệu cho mấy thanh niên trong bản cùng xúm lại giúp mang hành lý cho khách về tạm nhà mình. Trong lúc đó Hồ Thị Păng, vợ Hồ Khiên đã nhanh chóng lấy một nắm lá chè xanh đâm nát cho vào cái ấm rồi đổ nước sôi vào mang ra cho khách.

Hồ Khiên giải thích “lá chè xanh mà đâm như thế này uống sẽ thơm và mát hơn”. Quả thật nhấp một ngụm nước chè xanh đâm, mùi thơm ngai ngái cùng với vị ngọt khiến người khoan khoái, thấy lòng ấm hơn trong cơn mưa vùng cao.

Bản nhỏ trên triền núi

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bản rất sạch, có lẽ một phần cũng do tập quán định cư ở những triền núi cao và đầu các con nước. Người dân bản hồn hậu, đón chúng tôi bằng những nụ cười, bọn trẻ con nhút nhát nhưng vẫn tò mò đứng núp sau cánh cửa dò xét.

Bản Tà Vờng mới hiện tại có 25 hộ, với 136 khẩu, chủ yếu là thuộc tộc người Mã Liềng và Mày của dân tộc Chứt. Đón chúng tôi còn có già làng Hồ Xếp. Năm nay, Hồ Xếp đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Trưởng bản Hồ Khiên là con trưởng của ông.

Dẫn chúng tôi đi quanh bản giới thiệu qua về cuộc sống của bà con, Hồ Khiên cho biết: “Hiện cả bản đang dùng chung nguồn nước được lấy ở thượng nguồn một con suối phía sau núi về tận trung tâm bản do hệ thống ống dẫn nước về chứa trong bể nước lớn. Hồ Khiên cho biết thêm “từ lúc chuyển đến bản mới, trẻ em trong bản không còn phải bỏ học vào những ngày nước lớn nữa, đã có một điểm trường tiểu học của xã Trọng Hóa đóng tại bản Dộ, ngay sát chân đồi. Trường có 6 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5), bình quân mỗi lớp có 15 em. Ngay tại bản Tà Vờng cũng có một lớp mẫu giáo cho trẻ con trong bản đến học.

Tà Vờng cũng là một trong số ít bản còn lại của xã Trọng Hóa chưa có điện lưới. Vì là nhà trưởng bản và cũng là để đón khách nên tối đó Hồ Khiên mới dám lấy “điện nhà mình” ra dùng. Nói là “điện” nhưng thực chất là lấy mấy viên pin xếp lại với nhau trong cái ống nứa đủ để cho một bóng đèn loại bé xíu sáng mờ mờ. Còn những ngày khác thì cả bản phải ăn cơm chiều và sinh hoạt trong bóng tối mờ sương của núi rừng.

Tiềm năng du lịch

Trưa hôm đầu tiên tại nhà trưởng bản, bữa trưa do bà Hồ Thị Păng chuẩn bị gồm những thức ăn dân dã, như: hoa chuối rừng, cá khe, đĩa rau rừng luộc, cơm Pồi. Tất cả được dọn ra trên chiếc mâm đan bằng mây tre rất đẹp. Anh Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa cho biết: “Do bản mới chuyển về đây nên đất canh tác không có. Bà con được vận động không còn phá rừng nữa mà chỉ canh tác trên những phần đất nương rẫy cũ, tập quán phát – đốt – cốt – trỉa từ ngàn đời nay vẫn chưa thay đổi, ở đây bà con chỉ làm được lúa nương năng suất thấp, xen với các vụ sắn, ngô, khoai. Thời gian đầu Nhà nước đang hỗ trợ một người 15kg gạo mỗi tháng trong 5 năm đầu để giúp ổn định cuộc sống”.

Vừa ăn vừa trò chuyện, trong men nồng của chén rượu, có lúc già làng Hồ Xếp trầm ngâm, chỉ về ngọn núi cao phía bên kia con suối Tà Leng bồi hồi nhớ lại: "Trước kia, cả bản sống ở đó, dốc lắm, đi lại rất khó khăn. Mỗi khi có mưa lũ là ăn không ngon, ngủ không yên, thấp thỏm lo nhà mình có thể bị sạt bất cứ lúc nào, trẻ con cũng không thể đi học được. Còn bây giờ thì mình vui lắm, cán bộ dự án mà hướng dẫn và giúp bà con bản làm du lịch để phát triển kinh tế nữa thì yên tâm rồi”.

Buổi chiều cả đoàn tranh thủ khảo sát xung quanh bản và bản Dộ lân cận, tìm hiểu thêm những nét văn hóa còn bảo tồn, những lễ hội, tập tục sinh hoạt của bà con dân bản. Người Mã Liềng và người Mày ở Tà Vờng vẫn giữ được những lễ hội như: Lễ cúng giang sơn, Lễ buộc chỉ cổ tay, Lễ cúng cơm mới… Trời chiều đã tạnh mưa, những làn mây nhẹ lững thững lưng chừng núi, bồng bềnh len lõi dưới mái nhà sàn, khiến cho khung cảnh càng trở nên mộng mị khó tả.

Đêm buông nhanh xuống bản, kéo theo ánh trăng cuối tháng mờ mờ nhưng đủ để mọi người cảm nhận không gian khoáng đãng, những cơn gió mát rượi thổi luồn qua tóc, mấy cây nến chúng tôi chuẩn bị từ trước được thắp lên đung đưa theo gió. Câu chuyện giữa mấy vị khách và chủ nhà cứ miên man đến quá nửa đêm, lúc này cả bản Tà Vờng đã chìm vào giấc ngủ trong tiếng ru nhè nhẹ của đại ngàn cùng với tiếng chim rừng văng vẳng xa.

Buổi sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng cối đâm Pồi, âm thanh đó phát ra từ tất cả 25 ngôi nhà trong bản tạo thành một bản nhạc trầm bổng. Pồi là món ăn chính trong bữa ăn của dân bản, những người phụ nữ dậy rất sớm làm món Pồi cho cả nhà ăn sáng, trẻ con tay cầm miếng Pồi thủng thẳng vừa đi vừa ăn để xuống núi đến trường. Cái bể nước giữa bản là nơi sinh hoạt chung của mọi người mỗi sớm, cả đoàn chúng tôi cũng tranh thủ dậy ra bể nước, hòa vào một ngày mới với bà con.

Sau bữa sáng tự túc cả đoàn tiếp tục khảo sát những điểm ngắm cảnh dọc theo dòng suối Tà Leng. Với rất nhiều các bậc thác nhỏ, những bãi đá lổm nhổm, uốn khúc mềm mại càng làm cho con suối Tà Leng thêm quyến rũ và thơ mộng. Hai bên suối là những vạt cỏ xanh non, những bụi hoa sim tím, hoa mua đất, và cả những loài hoa dại tôi chẳng biết tên gọi, lần lượt được ánh nắng ban mai đánh thức, làm sáng bừng sức sống. Sương sớm chưa tan còn long lanh trên cành lá, tiếng mõ trâu lọc cọc theo mỗi nhịp chân chúng bước…  Chúng tôi leo lên những ngọn đồi cao hơn, thu gọn bản nhỏ trong tầm mắt. Đứng trên đỉnh đồi, tự huyễn hoặc với bản thân thiên nhiên và con người sao khéo hòa hợp.

Triển vọng mới cho Tà Vờng

Theo kế hoạch của Dự án Bảo tồn thiên nhiên và quản lý bền vững nguồn tài nguyên Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về sinh kế bền vững cho đồng bào vùng đệm Vườn Quốc gia, thì bản Tà Vờng là điểm được chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, trước mắt trong giai đoạn khởi động nhằm điều tra, khảo sát về phong tục, văn hóa. Ba hộ gia đình trong bản sẽ được chọn làm nơi lưu trú cho du khách.

Anh Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa cho rằng: “Tà Vờng là bản nghèo, thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của xã, chính quyền địa phương thực sự mong muốn cải thiện được đời sống cho bà con thông qua hoạt động du lịch cộng đồng”. Còn anh Hồ Phum, phụ trách an ninh bản cũng tự tin phát biểu trong buổi hội ý cuối cùng: “Mình biết bản thân cũng như bà con trong bản còn nhiều hạn chế, nhưng rất mong được cán bộ Dự án và các nhà làm du lịch đào tạo, bày vẻ thêm mọi người sẽ cố gắng học hỏi những cách thức để sau này triển khai công tác đón tiếp cũng như phục vụ du khách chu đáo và tốt hơn”.

Chúng tôi rất tin vào Hồ Phum, anh tiếp thu khá nhanh những hướng dẫn. Với vai trò là người thuyết minh tổng thể về bản làng cho du khách, dẫn du khách tham quan khám phá những nét văn hóa khác biệt, những bậc thác đẹp trên con suối Tà Leng… Chiều đó, Hồ Phum đã “hóa thân” là một thuyết minh viên của bản theo sự hướng dẫn của cán bộ Dự án rất tự tin.

Anh Lê Dũng, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty lữ hành quốc tế Oxalis hào hứng chia sẻ: “Sau khi được tận mắt chứng kiến và cùng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với bà con tôi rất thích cảnh quan, con người và những sự khác biệt nơi đây. Dân bản đã có những động thái rất tích cực khi chủ động giới thiệu thêm về những món ăn đặc trưng của đồng bào mình, mặc dù trong chương trình không có. Sau này du khách đến đây có thể được thưởng thức những sự khác biệt mang dấu ấn văn hóa của bà con dân bản, được tham gia vào những lễ hội truyền thống, như: Lễ buộc chỉ cổ tay, Lễ cúng giang sơn, Lễ cúng cơm mới… Họ sẽ rất hào hứng tham gia các tour du lịch 2 đến 3 ngày đến bản bằng xe máy”.

Anh Trương Sỹ Hồng Châu, điều phối về du lịch của Dự án cho biết thêm: “Đây mới chỉ là những bước thí điểm khởi động, phía Dự án cũng đã quan tâm định hướng các nhóm đối tượng khách theo 2 hướng, bao gồm từ Cha Lo về và từ Phong Nha - Kẻ Bàng lên. Sắp tới, phía Dự án sẽ tiếp tục tổ chức thêm một đoàn các công ty lữ hành chuyên tổ chức các tour trải nghiệm, khám phá nhằm khảo sát kỹ hơn và bổ sung thêm những thiếu sót giúp nơi đây hoàn thiện hơn khi đón khách”.

Đầu giờ chiều, chúng tôi rời bản để về xuôi mang theo ấn tượng về một bản biên giới xa xôi với bao niềm hy vọng. Nếu Dự án thành công, không chỉ đời sống đồng bào dân tộc nơi đây sẽ thoát khỏi đói nghèo mà với những nét độc đáo hoang sơ của mình, Tà Vờng sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc – nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá Quảng Bình của du khách.
Xem thêm >

Theo Xuân Hoàng – Xuân Thi (Quảng Bình TV)
Du lịch, GO!