Đèo Omega nối hoa và biển

Ngoài tên gọi Lung Linh nhờ vẻ đẹp rạng ngời xuất hiện trong sương sớm, đèo Hòn Giao còn được dân du lịch bụi âu yếm gọi là Omega, bắt nguồn từ hình dáng đồ thị của con đèo.

So với nhiều con đèo trải dọc từ bắc vào nam thì Omega vẫn là cái tên khá lạ lẫm. Nó chỉ thực sự được biết đến từ khi có tỉnh lộ 723 nối liền Nha Trang – Đà Lạt. Đây không chỉ là cung đường rút ngắn thay cho lộ trình qua thành phố Phan Rang và đèo Ngoạn Mục, mà còn được coi là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam nối liền cao nguyên hoa và phố biển mộng mơ.

Đèo Omega thuộc địa phận huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng. Ngoài tên gọi Omega, đèo được biết đến nhiều với tên gọi như Hòn Giao, Khánh Lê, Bidoup, Lung Linh. Mỗi cái tên đều có ý nghĩa riêng, khi gắn với núi, lúc gắn với người, khi lại thể hiện nét đẹp đặc trưng, hiếm có. Chỉ dài hơn 30 km trong tổng chiều dài hơn 200 km của cung đường hoa biển, nhưng vẻ đẹp nên thơ, hữu tình của phong cảnh trên đèo khiến nhiều du khách phải cất công tìm đến.

Tên con đèo cũng đa dạng: Người Khánh Hòa gọi là đèo Khánh Lê theo tên của xã Khánh Lê thuộc huyện Khánh Vĩnh nằm dưới chân đèo. Người Lâm Đồng gọi là đéo Bi Đoup theo tên đỉnh núi Bi Đoup  cao 2287 m của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng mà con đèo cắt qua gần đó.

Cũng có nhiều người gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm xế phía bắc con đèo, tuy đỉnh Hòn Giao cao 2062m nằm trên cao nguyên Lang Biang của Lâm Đồng nhưng cái tên Hòn Giao lại là tên kiểu Khánh Hòa đặt cho dãy núi ranh giới này (cùng các dãy núi khác của Khánh Hòa có tên bắt đầu bằng chữ Hòn như Hòn Bà, Hòn Sạn,…).

Đèo Hòn Giao còn có tên gọi là đèo Omega (tên này do dân phượt đặt), đèo Lung Linh - có lẽ do các bạn thích sự thơ mộng. Nhưng dù tên là gì thì con đèo vẫn là con đường du lịch đầy chất thơ và cảm xúc, cả ngẩn ngơ vì vẻ đẹp lẫn lo ngại vì sự cheo leo hiểm trở bậc nhất Việt Nam.

Nếu bắt đầu từ Khánh Hòa, bạn chỉ cần đến ngã ba Thành của huyện Diên Khánh rồi hỏi thăm đường lên Đà Lạt, sẽ được người dân hướng dẫn nhiệt tình. Lợi thế của điểm xuất phát này là đường khá bằng phẳng và đã được trải nhựa êm ru. Hệ thống cầu cống, mương nước, rào chắn, gương lồi, vạch vôi, biển báo giao thông đã sẵn sàng nên bạn có thể yên chí chạy xe theo chỉ dẫn là chắc chắn an toàn.

Nếu xuất phát từ thành phố Đà Lạt, bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn khi gần 10 km đầu vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, điểm cộng là gần đèo Omega hơn phía Nha Trang nên bạn có cơ hội nhiều hơn để chớp được khoảnh khắc đẹp nhất của con đèo khi nắng mới lên, sương đêm còn đọng. Bởi chỉ có như vậy bạn mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp lung linh của cung đèo.

Bạn nên dậy thật sớm và lên đường từ trung tâm thành phố Đà Lạt, theo con đường đi về hồ Than Thở, qua xã Thái Phiên. Đây là nơi nổi tiếng với các vườn rau xanh mướt và hoa cỏ thắm tươi, cứ thế theo con đường độc đạo xuyên rừng đi về phía Đông ngoại thành, rồi bắt nhịp với con đường mới mở nối liền rừng và biển.

Cách tuyệt vời nhất để thưởng ngoạn cảnh đẹp của đèo là đi xe máy. Tay lái bạn sẽ được khởi động với những đường cong tuyệt mỹ của cánh rừng thông ở chặng đầu. Khi nhận ra sự thưa dần của những tán lá kim thì con đèo Omega đã ở ngay trước mắt. Việc cần làm là chinh phục đỉnh đèo.

Những con dốc cao bắt đầu xuất hiện, sương mù dày đặc, những chiếc xe nối đuôi nhau, chầm chậm, vận tốc chỉ còn khoảng 20 km/h. Có những đoạn cua gấp như khuỷu tay, vực dù chắn rào nhưng đòi hỏi bạn phải vững tay lái và tinh thần ổn định. 1.000 m, rồi 1.500 m, cứ thế xe như leo lên trời khi lưng chừng đèo là những đám mây vờn vũ.

Mặt trời dần lên, những tia sáng đầu tiên như khẽ xua tan sương sớm, để lộ một khoảng không kỳ ảo đến ngỡ ngàng. Đó chính là đỉnh đèo Omega ở độ cao 1.700 m. Dưới đất, sương đọng trên lá cỏ ven đường phản chiếu ánh nắng trở nên long lanh như những giọt pha lê. Trên trời, màu mây hòa cùng màu nắng khiến ai cũng ngỡ như ở chốn thiên đường.

Nắng lên cao, xé toạc màn sương mù dày đặc, mở ra bức tranh thiên nhiên diễm lệ dưới chân đèo. Đó là khung cảnh núi đồi hùng vĩ với màu xanh trùng điệp như núi rừng Tây Bắc. Xa xa, những ngôi nhà của người Raglai, khói bếp vờn quanh. Những đám mây như chia ánh sáng ra thành từng khoảng, để rồi từ trên đỉnh nhìn xuống, những vạt sáng như ánh đèn chiếu thẳng xuống các buôn làng.

Cuộc đổ đèo cũng thú vị không kém khi bạn “rơi” từ độ cao 1.700 m xuống 1.000 m, rồi dưới 500 m, bùng nhùng nhức nhối trong tai như xuống máy bay. Quay lưng nhìn thì quang cảnh đã đổi thay rõ rệt. Phía trước, thành phố biển Nha Trang đang ngân khúc đón chào.
Xem thêm >

Theo Vy An (VnExpress)
Du lịch, GO! bổ xung

Thông tin về đèo Hòn Giao có rất nhiều trong Dulichgo, bạn hãy dùng công cụ search với từ khóa "đèo Hòn Giao".