(DVO) - Trong đời sống tâm linh của người Lự, lễ Căm Mường “Kiêng Mường” đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được. Như thường lệ, lễ Căm Mường sẽ được tổ chức vào ngày 3.3 âm lịch hằng năm.
< Mở đầu cuộc lễ, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ.
Người Lự có gần 5.000 nhân khẩu, chiếm 1,59% dân số toàn tỉnh Lai Châu; hiện đang sinh sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Ở Lai Châu chỉ có duy nhất một nhóm Lự đen “Lừ đăm”, để phân biệt với nhóm Lự trắng “Lừ Khao” ở Trung Quốc.
< Theo truyền thống, mỗi gia đình cử một đại diện là nam giới tham gia lễ cúng bản. Thủ tục cúng lễ chia làm bốn phần là: lễ thỉnh Thần, lễ khẩn cầu, lễ Căm Mường và nghi lễ kết thúc.
Trong đời sống tâm linh của người Lự, lễ Căm Mường “Kiêng Mường” đóng một vai trò rất quan trọng, ẩn sâu trong đó là ý nghĩa nhân văn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi bản mường người Lự, và đây cũng là dịp để họ cầu cho những điều may mắn sẽ đến với mọi gia đình trong năm tới.
< Lễ tế gắn với sự thành kính và ước nguyện tốt đẹp của dân bản.
Lễ Căm Mường mở đầu với phần lễ thỉnh thần, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ, nội dung này đề cập đến lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ Căm Mường và những người sẽ thụ lễ lần này.
< Phần lễ không có khèn, sáo, trống hay bất kì loại nhạc cụ nào, vì theo quan niệm của người Lự sẽ làm ảnh hưởng tới sự thần bí, linh thiêng khi thực hiện những nghi thức cúng lễ.
< Đây cũng là dịp các cô gái Lự lựa chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất.
Căm Mường chính là lễ để bà con dân bản thể hiện lòng thành kính dâng tế lễ vật lên các vị thần. Khi phần lễ kết thúc là đến phần hội, mọi người trong bản sẽ cùng nhau múa, hát những bài dân ca truyền thống của dân tộc mình từ xa xưa để lại và cả những bài dân ca mới.
< Các chàng trai thổi sáo để các cô gái hát những bài ca của dân tộc mình.
< Cùng với các bài hát, trong lễ hội còn có các trò chơi như kéo co, đẩy gậy...
Các chàng trai, cô gái sẽ cùng nhau hát dao duyên đối đáp và chơi những trò chơi của tộc người Lự. Trong thực tế thì chính từ lễ hội này đã là cầu nối xe duyên cho biết bao chàng trai cô gái, để họ được sống bên nhau đến trọn đời.
< Tó cáy thể hiện sức mạnh của mỗi người. Trong cuộc đua vui nhộn này nếu ai thắng sẽ gặp may mắn trong năm tới. Vì vậy, thầy cả té nước cầu may, để gột rửa những điều không may mắn.
Bên cạnh những nét đẹp văn hóa của dân tộc Lự như: kiến trúc nhà sàn, nghề dệt, tục nhuộm răng đen… Lễ Căm Mường không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, gắn với giữ rừng cấm, rừng thiêng mà còn là sinh hoạt cộng đồng gắn kết dân tộc.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Nội đã tái hiện lễ hội Căm Mường của người Lự ở xã Nậm Tăm (Sìn Hồ).
Theo San Nguyễn (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!