Minh Khánh đại danh lam

(ĐBND) - Tương truyền, chùa được khởi lập từ thời Lý, thế kỷ XI, nay thuộc làng Hương Đại, thị trấn Thanh Hà, Hải Dương. Như bao ngôi chùa làng ở xứ Bắc, xứ Đông, Minh Khánh Tự thờ Phật, nhưng đặc biệt hơn một chút là chùa có tòa Tam bảo thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông…

Theo một số thư tịch cổ, đất làng Hương Đại, thị trấn Thanh Hà ngày nay, là nơi ghi giữ nhiều dấu ấn lịch sử. Vào thời Trần, trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1287, vua Trần Nhân Tông đóng đại bản doanh tại Bình Hà, ngày nay còn lưu lại các địa danh như giếng Ngự Dội (giếng vua tắm), đống Quan Cư (gò đất quan ở), kho Gạo (kho lương)...

Và rồi, khi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, xuất gia tu hành, trở thành Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm, có thời gian Ngài đã trở lại chùa làng Hương Đại, để thuyết pháp, và đã đặt tên chữ cho chùa là Minh Khánh tự. Ngài cũng để lại huyết thư tại chùa, dấu tích còn lại là một tháp nhỏ trước tiền đường mang tên là Lưu Huyết Thư Tháp. Một chứng tích nữa là văn bia Minh Khánh đại danh lam, khắc dựng năm Hồng Thuận thứ ba, 1511, có ghi việc vua Trần Nhân Tông đặt tên cho chùa. Sắc phong của vua Lê năm Vĩnh Khánh thứ ba, 1731, và sắc phong năm Cảnh Hưng nguyên niên, 1740, còn ghi: “Triều Trần Hoàng đế, Thiền sư Nhân Tông tu hành, huyết thư lưu ở bài vị”. Trên Ban thờ có hộp đựng bảo vật là chín hạt màu huyền, có lỗ xỏ như tràng hạt của tăng sư, tương truyền đó là xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trong số 15 bia đá cùng 13 đạo sắc phong của các triều vua Lê và Nguyễn, còn lưu giữ tại chùa, đều ghi rõ tên chữ Minh Khánh Tự. Vậy nhưng, người dân gần xa vẫn quen gọi tên chùa theo tên làng là chùa Hương (chùa làng Hương Đại). Người có chữ còn giải thích rằng, Hương Đại là cái túi đựng hương thơm. Trải qua hơn 700 năm, chùa được trùng tu, tôn tạo thêm nhiều lần, nhất là những lần trùng tu ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX, chùa có quy mô to lớn, gồm tam quan ba tầng, mái chồng diêm, tiền đường, tam bảo, điện Phật, nhà tổ, giải vũ, nhà tăng, nhà khách... tất cả là 84 gian, trên mặt bằng hơn 10.000m2. Do những giá trị về lịch sử và kiến trúc, từ năm 1925, Viện Viễn đông Bác cổ Đông Dương đã lập hồ sơ về chùa, và ngày 16.5.1925, Toàn quyền Đông Dương đã ký văn bản xếp hạng Minh Khánh Tự. Đây là một trong 4 ngôi chùa của tỉnh Hải Dương được xếp hạng di tích văn hóa sử - kiến trúc thời kỳ đó.

Năm 1947, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, chùa bị dỡ xuống, hệ thống tượng thờ và các đồ tế tự được đem cất giấu, bảo quản cẩn thận, an toàn trong những năm binh lửa. Hòa bình, chùa bắt đầu được dựng lại; nhất là vào những năm 1985 - 1998 thì việc trùng tu, phục dựng chùa thực sự toàn diện, từ nhà tổ, tiền đường, nhà tăng, điện Phật, tháp Thư... được tạo dựng theo đúng kiến trúc xưa, như hồ sơ, đồ bản của Viện Viễn đông Bác cổ còn lưu lại... Đặc biệt, tam quan do những nghệ nhân tài hoa tôn tạo trên nền móng cổ, hoàn hảo đến mức, khách thập phương vãn cảnh chùa đều trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của một kiến trúc cổ kính. Toàn cảnh chùa to lớn, đẹp đẽ và chứa đựng một chiều sâu văn hóa truyền thống, xứng đáng như 5 thế kỷ trước người xưa đã tạc vào bia đá Minh Khánh đại danh lam. Năm 1990, chùa Diên Khánh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích văn hóa - lịch sử.

Như bao ngôi chùa làng ở xứ Bắc, xứ Đông, Minh Khánh Tự thờ Phật, nhưng đặc biệt hơn một chút là chùa có tòa Tam bảo thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông với bức tượng Ngài, nhưng không có tượng Pháp Loa và tượng Huyền Quang như các chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Điều đặc biệt này còn được phản ánh qua các sắc chỉ triều Nguyễn đã ghi rằng, các xã Ngư Đại, Hào Xá, Xuân An, Bình Hà phụng thờ miếu Hoàng đế Trần Nhân Tông. Thông thường việc thờ Thánh thường ở các miếu và thờ Phật vốn tại các chùa, nhưng chùa Minh Khánh đã kết hợp thờ Thánh Trần Nhân Tông và Phật hoàng Trần Nhân Tông, đó là nét đặc biệt trong tín ngưỡng của dân cư đất Thanh Hà, xứ Đông.

Lễ hội chùa Minh Khánh hàng năm thường diễn ra vào tháng 11 âm lịch, tưng bừng nhất là cuộc thi bánh dầy và thi mâm ngũ quả giữa các giáp trong làng Hương Đại xưa, giữa các xóm của cụm dân cư Hương Đại, thị trấn Thanh Hà ngày nay. Các mâm bánh dầy dự thi đều làm từ xôi nếp cái hoa vàng, phải đủ tiêu chuẩn trong, trắng, mịn và thơm. Còn các mâm ngũ quả đều là hoa trái vườn nhà gồm vải hoặc nhãn muộn cùng chuối, bưởi, na, đu đủ, dứa, dừa, bày xếp rất công phu theo các tích: Long - lân khánh hội (Rồng và lân chào mừng lễ hội), Tam long tứ linh (Trên ba con rồng, dưới bốn vật thiêng), Cửu long tranh châu (Chín con rồng với bảo tháp)...

Tất cả các mâm bánh dầy và ngũ quả dự thi đều dâng lên Phật và Thánh. Mỗi mâm ngũ quả dự thi thường xếp kín một hương án hoặc một mâm quy (mâm đá đặt lễ trước chùa). Có thể nói, lễ hội chùa Minh Khánh là một hội thi tài của người dân và thi sản vật nông nghiệp của làng Hương Đại, Thanh Hà, vùng đất có giống vải thiều nổi tiếng mà người xưa đã ghi nhận: “vỏ tía cùi trong, thịt như thủy tinh, như dáng tuyết, ăn vào tưởng như đang thưởng thức thứ rượu tiên...”.

Theo Đại Biểu Nhân Dân
Du lịch, GO!