Nam Nhã Đường

(TBKTSG) - Khi nghe cái tên Nam Nhã Đường người ta thường nghĩ đến một ngôi trường hoặc hiệu thuốc bắc hơn là một ngôi chùa.

< Chánh điện - còn gọi là Diêu Trì Bửu điện - theo kiến trúc pha trộn hài hòa Á - Âu.

Nam Nhã Đường - ban đầu cũng là tên của một tiệm thuốc bắc do ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng từ năm 1895. Cũng chính cơ sở kinh doanh này là một trong những nguồn lực kinh tài hỗ trợ cho hoạt động của phong trào Đông du vào đầu thế kỷ XX.


< Tam quan vào Nam Nhã Đường.

Du khách đến Cần Thơ, theo đường Cách Mạng Tháng Tám đi lên Bình Thủy, sẽ thấy Nam Nhã Đường nằm ở vị trí bên phải đầu vàm Bình Thuỷ, đối diện đình Bình Thủy bên kia sông. Nơi này, xưa thuộc ấp Bình Nhật, xã Long Tuyền (nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

Chủ nhân Nam Nhã Đường, ông Nguyễn Giác Nguyên (tức Nguyễn Phương Thảo) là học trò của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ông cùng với em của ông là ông Nguyễn Giác Cung sáng lập chùa Nam Nhã, một mặt làm nơi lễ bái cho tín hữu đạo Minh Sư trong vùng, nhưng mục đích chính là làm trụ sở liên lạc, hội họp bí mật của các tổ chức đấu tranh chống Pháp, phong trào Ðông Du ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời kỳ đó hai nhà cách mạng là Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể và cụ Phan Bội Châu đã nhiều lần lui tới Nam Nhã Đường.

< Nơi chùa Nam Nhã tọa lạc có nhiều cây xanh.

Chùa Nam Nhã - còn gọi chùa Minh Sư - nằm trong khung cảnh tĩnh mịch với cảnh trí đơn sơ bên bờ sông Bình Thuỷ. Chung quanh là khu vườn rợp mát. Trong vườn, trước đây được trồng nhiều loại cây quý như  tùng, trắc và các cây cổ thụ khác. Dưới bóng mát những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, nhiều tuổi, được chăm chút công phu tạo cảnh quan an bình thoát tục.

Bao quanh chùa là tường rào được quét vôi màu vàng với một cổng vào xây gạch, lợp ngói, có bảng ghi ba chữ Hán là Nam Nhã Đường. Hai bên cổng có hai câu liễn đối lấy hai chữ đầu là chữ Nam và chữ Nhã.

Câu bên phải đề là “Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thinh thông giác lộ”, câu bên trái ghi là “Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn”. Tạm dịch: Nam địa độ nguyên nhân, tiếng đàn Bát Nhã thông cõi giác. Và Nhã đình mời thiện khách, bóng mát bồ đề phủ cửa thiền. Các liễn đối trong chùa cũng có nội dung vừa dạy đạo vừa dạy đời, khơi gợi lòng yêu nước, nghĩa tình dân tộc.

Chánh điện chùa Nam Nhã tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, chung quanh sân rộng. Trước mặt chùa là đầu vàm rạch Long Tuyền xưa, nay là sông Bình Thuỷ. Trong vườn trồng nhiều cây xanh nên cảnh quan luôn mát mẻ. Do gần bờ sông nên quanh năm gió reo rì rào, thoáng mát.

< Lối đi bên hông chánh điện.

Sân chùa lát gạch tàu. Giữa sân là hòn non bộ cao trên 2 mét được đặt trong một bồn nước xây bằng  gạch. Giữa sân có một bia di tích. Quay sang trái là toà nhà chánh điện với kiến trúc Á Âu kết hợp. Một vị trong ban Trị sự chùa cho biết, lúc đầu chùa chỉ có ba gian với cột gỗ, cổng và mái lợp ngói rất đơn sơ. Đến năm 1905, chùa được mở rộng với năm gian hai chái.

Năm 1917, cụ Nguyễn Giác Nguyên và em là cụ Nguyễn Giác Cung, cùng Ban Trị sự chùa góp công sức lo xây dựng cho đến năm 1923, chùa lại được tu bổ và hoàn thiện thêm một lần nữa với quy mô lớn như ngày nay gồm một ngôi nhà gạch kiên cố có kiểu kiến trúc Á-Âu kết hợp ở thời kỳ đầu thế kỷ XX, lợp ngói âm dương, trên đỉnh mái có hình lưỡng long tranh châu.

< Trong các nghi lễ cúng bái ở Nam Nhã đường, tất cả từ Phật tử cho đến các bậc Lão Sư, Cô Thái chỉ dùng trang phục toàn một màu đen; từ khăn áo cho đến quần và dép.

Chính điện là một tòa nhà lớn uy nghi nằm ở giữa, gọi là Diêu Trì Bửu Điện. Đạo Minh Sư thiết kế bàn thờ theo dịch lý - một triết lý mô tả, diễn nghĩa một lý lẽ, một lý thuyết hay một nguyên lý nào đó. Hai gian hai bên là Đông Lan đường còn gọi là Cần Đạo đường dùng cho nam giới và Tây Lan đường là còn gọi là Khôn đạo đường dùng cho nữ giới. Gian Tây Lan đường này ăn thông với gian nhà bếp.

Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bày trí rất trang nghiêm là nơi đặt bàn thờ Tam giáo thể hiện tôn chỉ Tam giáo đồng nguyên. Tam giáo bao gồm Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Tam giáo đồng nguyên là ba nền tôn giáo đều do cùng một gốc mà ra.

< Bàn thờ Tam Giáo, gồm Phật Thích ca, Khổng Tử và Lão Tử theo thuyết Tam Gíao Đồng Nguyên.

Bàn thờ có ba pho tượng bằng đồng thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử và Lão Tử. Bàn đối diện là nơi thờ Trấn đàn Hộ pháp Bùi Hữu Sanh và nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa. Bàn bên phải thờ Quan Thánh Đế Quân, Lịch Đại tổ sư và người lập chùa là cụ Nguyễn Giác Nguyên. Hai bên tiền điện có hai bàn hương án đặt bài vị của các vị sư trụ trì.

Có một điểm đặc biệt là từ ngoài cửa chính nhìn vào phía tay trái ngang với bàn thờ Quan Thánh Đế Quân là một bàn thờ mà trên bàn đó có đặt một tấm kiếng soi mặt lớn. Khi các thiện nam tín nữ đến tụng kinh niệm Phật đều quỳ trước tấm kiếng nầy. Ðược biết tấm kiếng này một mặt dùng để nhắc tín đồ phải luôn hồi quang phản chiếu, phản ánh cái chân tâm của mình; mặt khác giúp cho người đứng quay lưng ra ngoài phát hiện kịp thời kẻ lạ mặt để cảnh giác ở mỗi lần họp kín trong thời kỳ chống Pháp.

Đến chùa Nam Nhã nếu chú ý du khách sẽ nhận thấy Đạo Minh Sư chưng dĩa trái cây gồm năm thứ trái cây và thức ăn cũng gồm năm món chay để tượng trưng cho ngũ hành. Trang phục của nam nữ tín đồ chùa Nam Nhã từ Phật tử cho đến các bậc Lão Sư, Cô Thái chỉ toàn là màu đen, từ khăn áo cho đến quần và dép cũng đen.

< Trên bàn thờ có tấm gương lớn để nhắc tín đồ luôn hồi quang phản chiếu chân tâm.

Chùa Nam Nhã hay Đạo Minh Sư trước đây cũng như các chùa thờ Phật ở Việt Nam chủ trương ăn chay niệm Phật, nhưng lại không cạo đầu, không có sư sãi, không mặc áo nâu sồng. Thiện nam tín nữ đến lễ Phật mặc quần áo gì cũng được miễn là kín đáo và nghiêm trang.

Chùa tập trung dạy Phật tử tu tâm dưỡng tánh, sống giản dị, “thiểu dục, tri túc”, tự lực sản xuất để tồn tại và phát triển. Cho đến nay, nếu đến viếng chùa Nam Nhã ngay dịp một lễ cúng nào đó, du khách vẫn cảm nhận được lối sống giản dị đó. Cho dù tấp nập người ra, kẻ vào nhưng lúc nào cũng thấy một không khí tĩnh lặng.

Trong thời kỳ chống Pháp, để che mắt thực dân Pháp, chùa phổ biến nhiều loại sách lịch sử nói về Phù Ðổng Thiên vương, Hai Bà Trưng, Bạch Ðằng giang, ải Chi Lăng,… kích thích tinh thần yêu nước xen lẫn với tác phẩm Hải Ngoại Huyết Thư của cụ Phan Bội Châu. Có nhiều tác phẩm như Đạo Nam kinh – kinh nhắc nhở tinh thần yêu nước do chùa phổ biến bị Pháp liệt vào loại sách cấm. Nhiều tác phẩm có giá trị trong thời kỳ đó đề cao việc học vấn, chống mê tín dị đoan, đề cao giá trị tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức.

< Nam Nhã Đường nhìn từ đình Bình Thuỷ, toạ lạc trong khung cảnh xanh mát, sông nước hữu tình, yên bình.

Sau chính điện của chùa là một vườn cây ăn trái, những ngôi mộ của những người sáng lập chùa và sĩ phu phong trào Đông Du. Chùa Nam Nhã là một địa chỉ được sử sách ghi chép tỉ mỉ và lưu giữ cẩn thận vì lịch sử hình thành và phát triển của chùa gắn liền với phong trào cách mạng của nhân dân cùng với lòng ái quốc của những sĩ phu yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 25 tháng 1 năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận chùa Nam Nhã là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Chùa Nam Nhã thuận tiện đến được bằng đường sông lẫn đường bộ và được nổi tiếng trong vùng không chỉ từ vẻ đẹp của kiến trúc thanh nhã, từ khung cảnh tĩnh mịch giúp thân tâm an lạc mà còn bởi là nơi đã từng có những hoạt động thầm lặng cho thúc đẩy nâng cao nhận thức và dân trí cho người Việt Nam ở Nam bộ ngày nào. Những người chăm sóc chùa qua từng thời kỳ vẫn ngày đêm kiên trì lặng lẽ công phu trong suốt quá trình sống và tu niệm. Nếu ai đó có dịp ghé qua, đọc đôi câu thơ, ngẫm đôi câu liễn, cúi đầu cẩn trọng trước những giá trị tâm linh của một thời cha ông ta đã âm thầm phụng sự Tổ Quốc thân yêu rồi cũng nhẹ nhàng trở gót ra về.
Xem thêm >

Theo Lâm Văn Sơn - Kim Dung (The Saigon Times)
Du lịch, GO!