Chinh phục Pha Luông

Khách du lịch Mộc Châu hẳn đã rất quen thuộc với thảo nguyên xanh, sữa, đồi chè, thác Dải yếm, rừng thông Bản Áng... nhưng chắc hẳn ít người được đặt chân tới nơi đươc mệnh danh là nóc nhà của Mộc Châu: đỉnh Pha Luông - địa danh nổi tiếng trong đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.

Nếu ai còn nhớ trong bài thơ 'Tây Tiến' của nhà thơ Quang Dũng có những câu thơ hết sức nổi tiếng nói về đỉnh Pha Luông rằng:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

< 8h30 chúng tôi bắt đầu xuất phát tại bản Cột Mốc (bản của người mông nằm gần chân núi nhất).

Con đường Tây Tiến vang danh một thời nay vẫn còn đó. Đỉnh Pha Luông sừng sững như thiên đường trong mây.

Có ai đó từng đến với Pha Luông nói rằng, ngọn núi ấy là nàng công chúa đã được đánh thức sau cơn ngủ dài dằng dặc với mây ngàn. Vài năm trở lại đây, các tour chinh phục Pha Luông đã được chọn như điểm khám phá quyến rũ du khách trở về Mộc Châu.

< Đây là hình ảnh đầu tiên khi qua bản cột mốc. Pha Luông ngay trước mặt, đi hết các dốc khá cao, trước mắt chúng tôi xuất hiện một rừng tre xanh ngắt, mát lịm và đẹp như trong các phim cổ trang ở Trung Quốc. Bạn bảo đây là một rừng cây "Lùng" (măng của nó chính là măng đắng).

Pha Luông không khó chinh phục như đỉnh Fan Xi Păng, không cao bằng đỉnh nóc nhà Đông Dương, song với khoảng 2.000 mét so với mực nước biển cũng đã tạo nên một tiểu khí hậu đặc biệt cho đỉnh núi huyền thoại này.

< Sau khi qua rừng 'lùng' đẹp như mơ, chúng tôi lại tới một thung lũng rộng, chỗ này  gợi cảm giác bao la của hoa cỏ và gió nắng. Chúng tôi mơ mộng: hay mình đang ở thảo nguyên rộng lớn của Mông Cổ.

< Giờ đây, Pha luông đã lấp ló kia rồi!

Núi Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung, (tiếng Thái là núi lớn) có độ cao gần 2.000m ở khu vực biên giới Việt-Lào; nằm ở phía đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. 

Từ ngàn đời nay, địa danh Pha Luông luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững thâm u, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù lưng núi.

< Pha Luông lấp ló kia, nhưng đường lên còn xa. Được cái chỗ này, những cơn gió rừng mắt rượi xua tan hết những mồ hôi, mệt nhọc. Đi qua một đồng cỏ rộng lên cao lại gặp một rừng già nhiệt đới rậm rạp nhiều cây lớn.

Chỉ trong một buổi sáng ở đây, ta có thể chứng kiến nhiều kiểu thời tiết khác nhau. Có khi đang nắng trong xanh, bất chợt mây kéo giăng mùng mờ mịt. Khám phá thiên đường mây ở Pha Luông sẽ làm cho bước chân leo núi của ta quên đi thời gian, mệt nhọc. Ta cứ đắm chìm vào mây, vào cây cỏ thiên nhiên hoang dã, vào những bông hoa dại bắt mắt bên lối đi rồi chẳng thể ngờ ta đã bỏ lại sau lưng những nửa ngày, và bất ngờ ngẩng lên là đã chạm đỉnh Pha Luông vời vợi. 

< Cuối cùng: Pha Luông đã ở dưới chân mình. Chúng tôi đang đứng trên điểm cao nhất của Mộc Châu . Cảm giác thật là tuyệt dù cái chân không còn muốn nhấc lên nữa (đúng 12 giờ trưa thì lên tới đỉnh) vậy là từ chân núi lên tới đỉnh mất đúng 3giờ 30 phút đi bộ.

< Từ đỉnh Pha Luông nhìn xuống phía dưới.

Ngửa mặt lên trời hay quay mặt sang bốn bề chỉ là mây và mây. Bất chợt, cơn gió bắt mây trắng về trời, để lại ta với cỏ cây hoang dại và bản Hin Pén hiện ra trước mắt. Đây là bản cao nhất trên đỉnh Pha Luông, nơi có đồng bào Mông sinh sống là chủ yếu.

Cuộc sống của họ vẫn cứ giản đơn như bao đời qua, tất cả vẫn tự cung, tự cấp. Từ cách bảo quản thức ăn bằng cách ướp thịt với muối trong chum, ướp muối vào thịt rồi gác bếp hay tự cất rượu cho mình uống đã cho ta những cảm nhận thật đặc biệt.

Khi mây tan cũng là lúc ta thỏa sức phóng tầm nhìn về thảo nguyên Mộc Châu, bất tận với gió núi, mây trời, thả hồn với nàng công chúa thiên nhiên.



< Trên đỉnh là một bãi đất hơi dốc rộng chừng 4- 5 sân bóng đá... nhưng không vắng lặng, cô đơn như tôi tưởng tượng.
Trái lại, trên đỉnh núi biết bao nhiêu là nam thanh,nữ tú người Mông, người Lào đang ríu rít chuyện trò. Hóa ra, chúng tôi may mắn lên Pha Luông đúng dịp người Mông của các bản quanh núi hẹn nhau lên đỉnh núi để tìm hiểu nhau.


< Nghe người Mông ở đây nói, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng ở ngay tại đỉnh Pha Luông này, vậy nên hàng năm họ vẫn lên trên đỉnh để nhớ lại ngày hạnh phúc ấy.

Pha Luông cách nước bạn Lào không bao xa. Muốn tiếp nối cuộc hành trình, du khách có thể khám phá nước bạn Lào qua cửa khẩu Lóng Sập. Đây là cửa khẩu quốc tế nhưng không khí ở đây vẫn mang nét đặc trưng của miền sơn cước. Không có cảnh nhộn nhịp người, xe qua lại, hàng hoá tấp nập, chỉ thấy những anh lính biên phòng đổi gác, tuần tra, cần mẫn xuyên rừng lội suối, và hình ảnh ấy cũng sẽ ấn tượng trong hành trình khám phá của mỗi du khách.

< Khá lạ là, trên đỉnh núi cao gần 2000m này lại có một hòn đá lớn khắc hình một con rồng. Người già bảo, đó là hình khắc có từ rất lâu rồii và có nhiều chuyện kỳ lạ xoay quanh hình khắc và viên 'sỏi' khổng lồ đó.

Hướng dẫn thêm:

1. Khu vực đỉnh Pha Luông là khu vực biên giới. khi đi phải mang theo giấy chứng minh thư nhân dân (xuất trình khi có cơ quan chức năng cần kiểm tra)
2. Bạn cần một đôi giầy tốt + êm, mang thật nhiều nước, chuẩn bị sẵn thức ăn từ nhà gọn nhẹ, một máy ảnh pin bền, áo mưa.
3. Pha Luông không dành cho người yếu tim, tiểu thư (hay đại loại như thế). Bởi vậy, nếu xác định đi, hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe đảm bảo, một lòng quyết tâm cao độ.
4. Bạn cần 1 người biết đường để dẫn đường đi. (liên hệ để được tư vấn: SĐT: 0944009008 hoặc 01629631348).

Du lịch, GO!