Đảo Phú Quý có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Với hơn 30 di tích Lịch sử – Văn hóa đủ mọi loại hình và niên đại trải đều trên một diện tích tự nhiên gần 17,82 km² của đảo là một bằng chứng lịch sử sinh động chứng minh cho quá trình khai phá và xây dựng đảo của người Việt Nam.
Các di tích đó còn nói lên sức sống mãnh liệt của nhân dân qua hàng trăm năm giữa biển khơi, làm rạng rỡ nguồn gốc con người Việt Nam nơi hải đảo xa xôi. Vạn An Thạnh là một điển hình, Vạn tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Vạn ở vị trí cách trung tâm huyện lỵ Phú Quý 2.5km về hướng Đông Nam và cách UBND xã Tam Thanh 1km về hướng Đông. Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân nơi đây.
Từ bao đời nay, đánh bắt hải sản là nghề chủ đạo của ngư dân Phú Quý. Sống giữa một môi trường biệt lập, bốn bề là đại dương bao la, những nhân tố đó đã hình thành nên một sắc thái địa phương ở xứ đảo. Lâu nay, ngư dân Phú Quý có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá Ông (cá Voi) và coi đó là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh họ trong những chuyến biển đầy hiểm nguy. Trong ngư dân Phú Quý lưu truyền rất nhiều sự tích nói về sự linh thiêng của Thần Nam Hải.
Những sự tích đó được đúc kết dưới dạng những câu thơ, bài hát, điệu hò dân gian. Mặc dù đó chỉ là những sự tích ít nhiều mang tính huyền thoại, nhưng đối với ngư dân thì họ tuyệt đối tin tưởng. Bởi vì họ là những người từng bị sóng gió vùi dập, và chính từ trong cơn hiểm nghèo đó họ đã chứng kiến Thần Nam Hải đến cứu mình. Trước kia phương tiện đi biển rất thô sơ, với chiếc thuyền con mộc mạc nhỏ bé nên con người chủ yếu dùng chính sức lực của mình để chèo chống khi có giông tố bất ngờ ập đến.
< Nhà trưng bày xương cá Voi xây dựng hoàn thành năm 2010.
Và trong cơn hoạn nạn, ngư dân thường khấn vái rằng… “Phục vận Nam Hải sanh thần linh thiêng hiển hích cứu hộ chúng dân tai qua nạn khỏi…”. Khi đó thần Nam Hải sẽ linh ứng xuất hiện, tựa thân mình vào thuyền và dìu dắt vô bờ xuôi theo chiều gió. (Như chúng ta đã biết, theo khoa học thì cá Voi là một động vật biển thở bằng phổi nên thường ngoi lên mặt nước để thở. Lúc sóng to gió lớn cá Voi thường tìm những vật lớn để nương tựa vào nhau tránh bị sóng gió vùi dập. Những lúc đó cả hai nương tựa vào nhau, có lợi cho nhau thoát cơn hiểm nghèo.
Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tôn trọng công lao của ông bà trong sự nghiệp khai phá, tạo dựng ngày trước. Vạn An Thạnh là một trong những biểu hiện tiêu biểu của truyền thống đáng quý đó. Vạn thờ cá Ông cùng thờ Thành hoàng bổn xứ và Tiền hiền, Hậu hiền. Theo tài liệu để lại thì Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781), là Vạn có niên đại sớm nhất so với các Vạn khác ở Phú Quý.
Thuở sơ khai Vạn chỉ là một bộ khung gỗ lợp tranh vách lá bấy giờ chưa có “Ngài” nào trôi dạt lên đảo. Đến năm Tân Sửu (1841) mới có “Ngài” đầu tiên “Hóa” (chết) dạt vào bãi cát trước Vạn. Bà con ngư dân đã tổ chức lễ mai táng long trọng. Vị này to lớn và là vị đầu tiên trôi dạt lên đảo nên được gọi là “Vị Cố”.
Hiện nay trên khám thờ thần Nam Hải ở Vạn An Thạnh còn lưu giữ bức Thần chú thờ Vị Cố có chạm dòng chữ Hán cổ “Nam tế Hải linh cự tộc Ngọc Lân thủy tướng tôn Thần, Tân Sửu Niên, Thập ngoạt thập ngũ nhật tị thời”. Từ đó đến nay Vạn lấy ngày 15 tháng 10 làm ngày giỗ Vị Cố và đây cũng là dịp Tế thu của Vạn.
Ngoài ra, trong khuôn viên còn có các bộ phận phụ khác như: Khu mai táng xác ông bà, công quán, cổng vào, án phong, nhà khói…Vạn An Thạnh là di tích kiến trúc tôn giáo liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp. Vạn ẩn mình dưới những hàng dừa xanh bao phủ, hướng chính quay về phía nam nhìn thẳng ra biển khơi. Các bộ phận kiến trúc chính của vạn gồm Chính điện, Võ ca và Tiền hiền được bố trí dạng chữ Tam.
Ngày nay, Vạn lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da), bà con ngư dân coi đó là hài cốt của ông bà nên tôn thờ với những nghi thức kính cẩn.
Với gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ, Vạn An Thạnh là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá ông rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học. Tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn). Đây là bộ xương cá Voi lớn thứ hai ở Bình Thuận (sau bộ xương cá Voi ở Vạn Thủy Tú, Phan Thiết). Hiện nay, Vạn An Thạnh được Nhà nước và nhân dân đầu tư trên 8 tỉ đồng để trùng tu xây dựng Vạn và Nhà trưng bày xương cá Voi cùng một số hạng mục khác.
Tại Vạn An Thạnh thường xuyên diễn ra các lễ hội như: Lễ hội tế xuân: Kéo dài từ mùng 10 đến 20/1 âm lịch, đây cũng là dịp Cầu Ngư đầu năm của Vạn. Đây là lễ tế Thần đầu năm để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi. Lễ hội tế xuân của Vạn An Thạnh, ngoài việc tế Thần đầu năm còn gắn liền với mục đích cầu ngư. Ngoài những nghi thức hành lễ theo tập tục cổ truyền (vật dâng tế Thần Nam Hải, nhang đèn, chuông trống, văn tế Thần và Tiền hiền, Hậu hiền) là những sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thu hút đông đảo bà con ngư dân xứ đảo. Đây cũng là dịp để hướng mọi người quay về cội nguồn, tổ tiên và truyền thống lâu đời của dân tộc.
Lễ giỗ vị cố: Tiến hành vào ngày 15/10 âm lịch, đây cũng là dịp Tế Thu của Vạn. Ngoài những nghi thức hành lễ long trọng như lễ tế xuân, còn có thêm nghi thức rước ông Sanh từ biển khơi. Ngư dân tổ chức ghe thuyền, cờ trống ra khơi nghinh đón những vị thần sống về vạn chứng kiến ngày tế lễ. Những bài văn tế Thần, Tiền hiền và Hậu hiền được đọc long trọng trong buổi lễ. Hiện nay Vạn An Thạnh còn lưu giữ bài văn tế dày 124 trang viết bằng chữ Hán cổ được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trong lễ hội tế xuân và tế thu của Vạn An Thạnh, có các loại hình văn hóa dân gian như dân ca nghi lễ, hát chèo bả trạo… là những làn điệu cổ truyền rất độc đáo của ngư dân Phú Quý. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống đó không thể thiếu trong ngày hội văn hóa của toàn dân. Đây là dịp để mọi người ôn lại truyền thống khai phá xây dựng đảo, tăng cường tình đoàn kết, mối tương thân tương ái giữa các ngư dân, củng cố và tăng cường sức mạnh trong sự nghiệp lao động và xây dựng đảo Phú Quý ngày càng sung túc hơn.
Ngoài gần 100 bộ xương cốt là những di vật chính ở đây, Vạn An Thạnh còn nhiều hiện vật quan trọng khác tạo nên di sản văn hóa của ngư dân vùng đảo: bao gồm tượng thần “Thủy lân”, gia phả, văn tế, sắc phong, hoành phi, liên đối. Vạn An Thạnh là một trong những di tích cổ ở đảo Phú Quý được các vua triều Nguyễn phong tặng số lượng sắc tương đối nhiều. Nội dung sắc thần chủ yếu ban tặng “Thần Nam Hải cự tộc ngọc lân” và những tướng lĩnh có công giúp Nguyễn Ánh chạy nạn và chết ở đảo. Có tất cả 10 sắc thần gồm những đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân … ban.
Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia, tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/01/1996. Ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống Vạn An Thạnh là một Bảo tàng văn hóa biển tồn tại đã 219 năm (tính đến năm 2010), với nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các Bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới.
Trong những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu về Hải dương học, những đoàn khách du lịch nước ngoài đến đảo đã rất thích thú về việc bảo quản, giữ gìn di vật trong Vạn An Thạnh. Vạn An Thạnh như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng đảo. Những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và văn học dân gian sẽ được kế thừa tiếp tục phát triển những điểm tốt, hạn chế và loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực trong lễ nghi để sẵn sàng chuyển giao tốt cho các thế hệ mai sau.
Theo web Phú Qúy - Bình Thuận
Du lịch, GO!