(TH) - Với dân phượt: ngoài sự đam mê khám phá, chút kiến thức đã tham khảo trước, phương tiện và túi rủng rỉnh tý tiền thì cái không thể thiếu được là chiếc máy ảnh. Cái thứ dùng để ghi lại mọi thời khắc đáng nhớ trong một chuyến đi với từng tấm và từng tấm trên những bước hành trình.
Còn với những người thích nhiếp ảnh, việc đi du lịch kết hợp chụp ảnh sẽ vừa là tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên vừa để thỏa mãn sở thích niềm đam mê cùng ảnh số. Bài tổng hợp này sẽ có 2 phần: Đầu tiên là nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm sẽ chia sẻ cùng bạn kinh nghiệm chụp ảnh ngoại cảnh. Kế đó sẽ có phần hướng dẫn chụp đẹp với máy máy ngắm - chụp, thậm chí máy... cùi bắp. Mời bạn xem nhé.
Kinh nghiệm chụp ảnh ngoài trời
Chụp ảnh ngoại cảnh, bao gồm phong cảnh, cỏ cây, hoa lá, cảnh sinh hoạt, con người. Theo ông Nhiệm, bạn cần biết nơi sẽ đến như thế nào, cái hay cái đẹp của nơi đó. Ví dụ, tháng 5 là mùa cấy lúa ở miền Bắc, từ tháng 9, tháng 10 là mùa nước nổi ở Đồng Tháp, cũng là mùa thích hợp nhất để chụp ảnh ruộng bậc thang vùng Tây Bắc... Đó là những thông tin tốt để tham khảo. Tuy nhiên, bạn không nên lập trình sẵn “mùa nào thức nấy”. Đôi lúc, bạn chụp mùa lúa vừa gặt xong cũng rất đẹp và tạo nên nét đặc sắc riêng cho bức ảnh.
Hình đẹp thường được chụp vào buổi sáng sớm (từ 5 - 8 giờ) và buổi chiều (từ 16 - 18 giờ). Khi đó, người chụp thường có nhiều cảm xúc và ánh sáng dễ chịu.
Sau khi chọn được thời điểm chụp, bạn sẽ chọn vị trí chụp. Khi thời điểm chụp và vị trí chụp đã được chọn xong thì việc còn lại là tạo hình cho bức ảnh. Nhiều người cho rằng chụp ảnh ngược sáng sẽ đẹp nhưng đó chỉ là khái niệm tương đối, đôi lúc chụp thuận sáng sẽ đẹp hơn. Người chụp cần thử nhiều ánh sáng khác nhau, cả ngược sáng và thuận sáng, khi thử mới biết ảnh có đẹp thực sự hay không.
Cũng như vậy, định dạng panorama (góc ảnh toàn cảnh rộng, tỷ lệ tương ứng giữa chiều rộng và dài là 3:1), thường được sử dụng trong chụp ảnh phong cảnh; nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp. Định dạng này giúp bạn nhìn được toàn cảnh nhưng sử dụng tùy thời điểm và bối cảnh cụ thể.
Điều cần chú ý là nếu không có không gian ba chiều, ảnh sẽ không đẹp. Bạn cần xử lý ảnh sao cho có mảng khối, chỗ sáng, chỗ tối, chỗ đậm, chỗ nhạt.
Đối với người chụp ảnh chuyên nghiệp, mỗi lần đi là mỗi lần tốn kém về thời gian, sức lực, thời tiết thay đổi. Người cầm máy cần đầu tư có cân nhắc về vật chất, kiến thức và thời gian để tạo nên những bức ảnh có phong cách riêng của mình, cần biết tận dụng cơ hội thiên nhiên ban cho; vì thế không nên dễ dãi với bản thân mà rơi vào trạng thái "lười nhác", bởi có thể sẽ có lúc phải tiếc nuối vì đã bỏ qua cơ hội tốt. Việc chụp ảnh là niềm vui nhưng cũng là niềm trăn trở của người chụp ảnh chuyên nghiệp, bỏ lỡ cơ hội chụp khoảnh khắc nào đó sẽ rất dằn vặt.
Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm tiết lộ bức ảnh Thác Bản Dốc - từng được mang đấu giá - của anh chụp trong điều kiện ánh sáng cực kỳ hiếm. Anh cho biết miền núi thường tắt nắng nhanh, hơn 4 giờ chiều là đã hết nắng. Hôm đó, anh chờ hơn 5 giờ chiều và may mắn chụp được những tia nắng cuối ngày hiếm hoi.
Chụp ảnh cũng cần “thiên thời, địa lợi”
Yếu tố địa lợi ở đây chính là thiên nhiên. Chẳng hạn như lúa chín, lúa cấy, nước nổi, hoa nở… Những yếu tố này tạo cảm xúc cho người chụp ảnh bấm máy.
Còn thiên thời chính là thời tiết, bao gồm các yếu tố như mây, gió... Tuy nhiên, không phải lúc nào trời nắng cũng tốt. Các yếu tố như cây cối, núi non, sông ngòi, biển, đảo… mười năm cũng không thay đổi. Các thông số thay đổi gồm nắng, gió, nước dâng, sóng lên… người chụp cần thể hiện rõ, tạo nên sắc thái khác biệt cho bức ảnh. Nếu không ghi lại sự dao động của thiên nhiên thì bức ảnh chỉ là sự ghi nhận kho cứng, không thể hiện ý tứ của tác giả.
Với các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thời tiết càng ‘lạ’ càng thích. Trong những tình huống thời tiết xấu nhất, người cầm máy vẫn có thể có những bức ảnh đẹp, quan trọng là chủ đề chính không bị che. Ví dụ như một cơn giông đang tới, bạn chụp những tia nắng cuối cùng trong ngày; hoặc mọi người cuống quít kéo lưới trở về... Bạn cũng có thể chụp cảnh trước khi trời mưa hoặc lúc vừa dứt cơn mưa.
Đôi lúc, bạn chụp cây khô vẫn đẹp. Quan trọng là “người xem có cảm nhận giống như cảm xúc của mình khi bấm máy hay không”.
Cách chụp những cảnh khác nhau
Trước tiên là con người trong ảnh phong cảnh. Khi chụp ảnh phong cảnh, có người hay không không quan trọng. Bức ảnh sinh động hay không là do chủ đề chính: Hình ảnh nói điều gì?. Tóm lại, cảnh là chính, còn con người là phụ, là ‘gia vị’ cho ảnh.
Với nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, con người trong ảnh là những người tình cờ gặp, có thể chỉ là một điểm nhỏ, trang phục đặc biệt và đồng bộ. Nói chung, con người phải có nét hay, lạ. Ví dụ: Chụp cảnh hoa đào nở, hai phụ nữ dân tộc đang đi làm; hoặc dưới vườn hoa mận trắng, một người đi làm về, có căn nhà phía trước mặt.
Khi chụp sương mù và mây, nhiều người thường chụp không ra hình. Theo nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, lý do là vì người cầm máy chụp chưa đúng thời điểm và cần lưu ý thời điểm này xảy ra rất nhanh. Anh chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh sương mù để mù ra mù, mây ra mây: “Tại Sapa, mù thường có 2 tầng mây, bạn chụp trước khi tầng mây thứ nhất tràn tới hoặc chờ mây thứ nhất xuống sẽ tạo ra nét tương phản cho bức ảnh”.
Về kinh nghiệm chụp cảnh biển, biển thường có núi, vân cát, sóng lớn, ghềnh đá, thuyền, con người, thủy triều… Người cầm máy nên chụp những nét lạ như khúc cây ngay giữa biển, thuyền thúng, thuyền nan. Bạn có thể ghi lại sự dữ dội của biển, những con sóng lớn, mây soi bóng xuống bãi cát vào lúc sáng sớm, một cây cầu tre đơn độc giữa biển, mây cuồn cuộn kéo tới, biển buồn…
Riêng về cảnh núi, nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm quan niệm núi là thể rắn, cứng. Bạn chụp ảnh quá cứng sẽ không đẹp, vì vậy cần thêm chất liệu mềm là nước, bao gồm cả mây và sương. Núi có nước hòa quyện mới hấp dẫn như quan niệm 'sơn thủy' của phương Đông. Bạn có thể chụp nhiều lớp núi có sương mù, sau cơn mưa, cuối mùa đông gần mùa xuân có nhiều hơi nước…
Chụp ảnh đẹp với máy ngắm-chụp
Bạn từng bối rối khi phải chụp cảnh đêm, những cảnh chuyển động nhanh hay khi chụp trong nhà với thứ ánh sáng âm u, khó chụp? Nếu bạn chỉnh đúng chế độ chụp và cộng với vài thủ thuật, bạn có thể "giải mã" nhiều "quyền năng" của chiếc máy ảnh trong tay mà trước đây bạn không nhận ra.
< Mặc dù mỗi loại máy ảnh có cách đặt tên khác nhau nhưng bạn có thể chọn các chế độ tương ứng bằng cách chuyển sang chế độ "Scene" (hoặc ký hiệu tương tự như vậy) để chọn chế độ chụp phù hợp trên menu màn hình. Vài máy ảnh đặt những chế độ thường dùng nhất trực tiếp lên vòng xoay điều chỉnh.
Chế độ chụp tự động (Auto Mode) trên máy ảnh thực ra là con dao 2 lưỡi. Chế độ này hoạt động rất tốt nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày hoặc trong phòng sáng trưng đèn nên rất nhanh chóng và tiện lợi để có được tấm ảnh ưng ý mà bạn ít phải cân chỉnh gì. Tuy vậy, chế độ Auto này cũng có thể là sức ì khiến bạn không phát huy được tính sáng tạo của mình cũng như khó có thể chụp được những tấm ảnh đẹp nhất và thể hiện đúng ý đồ về ánh sáng, hiệu ứng ảnh như mong muốn.
Bất kể máy ảnh nào, thậm chí cả máy ảnh ngắm chụp rẻ tiền nhất cũng có vài chức năng chỉnh sửa ảnh nằm ẩn bên trong trình đơn (menu). Máy ảnh tầm phổ thông nhất cũng có vài chế độ định sẵn (thường sách hướng dẫn kèm theo gọi là "scene"). Các chế độ này đã chỉnh sẵn mọi thiết lập cho từng môi trường cụ thể nào đó và thường cho ảnh đẹp hơn so với chụp ở chế độ Auto. Và nếu bạn sử dụng máy ảnh ống kính rời (SLR - single-lens reflex) hoặc một máy ảnh có khả năng điều chỉnh thủ công thì bạn hoàn toàn có khả năng "luyện" tay nghề lên một cấp độ mới, "cao tay" hơn hẳn so với chụp tự động.
Vậy chế độ chụp định sẵn hoặc chụp chỉnh thủ công sẽ cải thiện được chất lượng ảnh đến mức nào? Một nhiếp ảnh gia của PCWorld Mỹ đã chọn ra 6 cảnh mà ta thường chụp nhất, trong đó có vài cảnh "khó" mà nếu muốn có được tấm ảnh ưng ý thì cần phải chỉnh thủ công. Cách thử nghiệm: mỗi cảnh người thử nghiệm (NTN) chụp vài tấm ở các chế độ khác nhau gồm: Auto, chế độ định sẵn tương ứng và chỉnh thủ công. Trong hầu hết trường hợp, chụp với chế độ định sẵn cho chất lượng ảnh tốt hơn nhiều so với chế độ Auto. Trong vài trường hợp, chỉnh thủ công cho kết quả tốt hơn (hoặc khác biệt hoàn toàn) so với chế độ định sẵn. Đánh giá từ những thử nghiệm này, bài viết khuyến khích bạn dùng chế độ định sẵn thay vì Auto trong hầu hết trường hợp chụp ảnh.
Các thử nghiệm trong bài sử dụng máy ảnh Canon PowerShot S90 được đánh giá cao trong dòng máy ngắm-chụp. Máy cho chất lượng ảnh tốt, có nhiều chế độ định sẵn, có thể chỉnh thủ công khẩu độ, điểm lấy nét và dĩ nhiên là có chế độ chụp Auto. S90 cũng có ống kính góc rộng với khẩu f/2.0 và xử lý ISO tốt đối với dòng máy ống kính liền thân máy. Những đặc điểm này giúp S90 có thể chụp ở tốc độ nhanh, có được hiệu ứng trường ảnh rõ rệt và chụp cảnh thiếu sáng tốt.
Bài viết nhằm mục đích hướng dẫn cho người dùng phổ thông, người dùng không am tường về máy ảnh cũng như kỹ thuật chụp ảnh cơ bản, có thể dễ dàng làm chủ và tận dụng được hết tính năng mà máy ảnh mình đang có. Có thể tùy mỗi máy ảnh sẽ cho chất lượng hình ảnh khác nhau nhưng nhìn chung, bạn sẽ chụp được ảnh đẹp hơn và có nhiều tùy chọn điều chỉnh thủ công hơn với máy ống kính rời (DSLR); trong khi hầu hết máy ảnh dạng ngắm-chụp có ít tùy chọn và chất lượng ảnh không thể sánh bằng DSLR.
Chụp chân dung (Portrait)
Thường chế độ chụp chân dung là tùy chọn đầu tiên trong menu của máy ảnh. Chế độ này được cân chỉnh sẵn để chụp nhân vật chỉ lấy phần đầu và vai. Phần lớn trong chế độ này, máy ảnh sẽ nhận diện gương mặt, lấy nét vào đó và cân chỉnh màu sắc nhằm cải thiện màu da người.
Trong nhiều máy ảnh mới xuất hiện gần đây, chế độ Auto thậm chí mặc định lấy giá trị của chế độ Portrait này nếu máy ảnh nhận diện được một gương mặt (hoặc nhiều gương mặt) khi bạn ngắm chụp.
Trong chế độ chân dung, máy ảnh cũng cố thu hẹp trường ảnh phía sau chủ thể: điều này có nghĩa máy ảnh lấy nét ở gương mặt và làm mờ cảnh nền phía sau, giúp người xem tập trung vào gương mặt hơn so với các vật thể ở xa.
Trừ khi bạn chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng mạnh như chụp dưới ánh nắng, còn không máy thường tự động bật đèn flash. Điều này giúp ảnh hiện được mọi chi tiết trên khuôn mặt. Tuy vậy, khi bật flash, máy ảnh thường phải giảm cường độ đánh đèn để tránh bị dư sáng cho chủ thể.
Qua 3 ảnh thử nghiệm về chụp chân dung, ở chế độ Auto, đèn Flash thường đánh quá dư sáng khiến khuôn mặt sáng gắt hơn thông thường. Chuyển sang chế độ Portrait, ảnh trông đẹp hơn nhiều với ánh sáng đèn vừa đủ và màu da mượt mà hơn.
Chuyển sang chế độ chỉnh thủ công, NTN tắt flash và cố tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách mở lớn khẩu độ và giảm tốc độ. Kết quả là ảnh trông tự nhiên hơn và tinh tế hơn. Dù vậy, chế độ Portrait nhìn chung cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ về ảnh chân dung.
Chụp cận cảnh (Macro)
Trong chế độ chụp cận cảnh, máy ảnh lấy nét ở cự ly ngắn nhất có thể khi bạn muốn chụp những vật thể nhỏ hoặc lấy được những chi tiết nhỏ nhất với độ nét cao nhất. Qua vài ảnh thử nghiệm chụp ở chế độ này, kết quả rút ra là để có được ảnh cận cảnh đẹp nhất thì bạn nên tự điều chỉnh và nên sử dụng chân máy.
Trong chế độ Auto, máy ảnh sẽ “tự ý” lấy nét ở trước hay sau đối tượng bạn muốn chụp vì thế nhiều chi tiết ở phần bạn muốn chụp lại bị mất nét. Chế độ Auto cũng đẩy giá trị độ nhạy sáng ISO lên đến 640, sử dụng thiết lập khẩu độ f/4.9 và tốc độ 1/250 giây.
Với ISO cao như vậy, sử dụng tốc độ chụp nhanh bạn sẽ tránh rung tay khi không dùng chân máy hoặc chụp vật thể đang di chuyển. Tuy nhiên, tốc độ càng nhanh và ISO càng cao cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh ít chi tiết hơn nếu ta muốn cắt xén lại và thu nhỏ kích thước ảnh.
Khi chuyển sang chế độ chụp cận cảnh (Macro) trên máy, hình ảnh cải thiện rất nhiều so với chụp ở chế độ Auto. S90 điều chỉnh lấy nét rất tốt và giữ cùng thiết lập về khẩu độ nhưng giảm ISO xuống còn 320 và giảm cả tốc độ xuống còn 1/125 giây.
Còn với chỉnh thủ công, NTN chuyển sang lấy nét theo điểm để cố định điểm lấy nét trên bề mặt kim loại của đồng hồ để cho hình ảnh sắc nét hơn; đóng khẩu độ lại còn f/8.0 và chụp với độ nhạy ISO thấp hơn nhiều, chỉ ở 80; tốc độ 1/13 giây.
Việc kết hợp thiết lập ISO thấp, khẩu độ nhỏ và tốc độ chậm giúp ảnh thể hiện được nhiều chi tiết hơn, thậm chí điều này cũng giúp tấm ảnh ít bị nhiễu hạt trong trường hợp bạn muốn thu nhỏ kích thước ảnh.
Dù vậy, điều đáng chú ý là thiết lập thủ công mà NTN sử dụng trong bài chỉ thích hợp để chụp cận cảnh vật thể tĩnh vì tốc độ chậm nếu chụp vật thể chuyển động thì ảnh sẽ bị nhòe. Nếu bạn cần chụp cận cảnh vật thể chuyển động, hãy chuyển sang chế độ Macro sẵn có của máy, chế độ này tốt hơn so với chỉnh thủ công.
Chụp cảnh đêm (Night Scene)
Chế độ chụp cảnh đêm được cân chỉnh để chụp ảnh phong cảnh hoặc cảnh thành phố về đêm, lúc mà bạn không có được ánh sáng trời. Thông thường, bạn cần có chân máy khi chụp ảnh dạng này. Tùy vào máy ảnh của bạn, chế độ Night Scene có thể sử dụng tốc độ chậm, nghĩa là hình ảnh sẽ dễ bị mờ nếu bạn cầm máy trên tay để chụp.
Với chế độ Auto, hình ảnh không đẹp. Máy ảnh nâng ISO đến 800, mở khẩu độ rộng f/2.0 và có tốc độ khá nhanh: 1/15 giây. Do vậy hình ảnh mất đi độ chính xác màu và chi tiết. Máy ảnh cũng tự đánh đèn flash, do đó vùng phía trước ảnh bắt sáng, phản chiếu vào sương và đánh ngược trở lại máy ảnh.
Kết quả khi chuyển sang chế độ Night Scene vẫn gây nhiều thất vọng. Mặc dù máy ảnh điều chỉnh đúng tốc độ, giảm còn 1/2 giây và sử dụng ISO thấp hơn là 160 nhưng đèn flash vẫn đánh trong khi khẩu độ vẫn giữ nguyên ở f/2.0. Kết quả là hình ảnh gần giống như chụp ở chế độ Auto.
Trong khi đó, với điều chỉnh thủ công, hình ảnh trông rất khác biệt so với 2 chế độ trên. NTN không dùng đèn flash để tránh bị phản chiếu. Tiếp đến, để tăng độ chi tiết, NTN chuyển sang ISO ở 100 và sử dụng tốc độ rất chậm, ở 6 giây. Tốc độ chậm cũng khiến mặt nước trông mượt mà hơn trong khi ISO thấp giúp cho màu sắc chính xác hơn. Tốc độ chậm còn cho phép mở khẩu độ ở f/5.6, làm tăng trường ảnh trong khi vẫn bắt được nhiều ánh sáng để cho tấm ảnh có được bố cục đẹp.
Chân dung đêm (Night Portrait)
Mặc dù nghe giống với chế độ chụp cảnh đêm (Night Scene) nhưng chế độ chụp chân dung ban đêm lại hoàn toàn khác. Chế độ này được cân chỉnh để vừa có thể lấy được người phía trước và cả cảnh đêm phía sau. Nếu cân chỉnh tốt, một tấm ảnh chân dung chụp đêm sẽ thể hiện được 2 yếu tố này. Chế độ chụp này khá hữu ích cho những người thường đi thăm thú đây đó vì nó rất tiện để chụp được những tấm ảnh cho người thân, bạn bè ban đêm ở một vùng xa lạ mà vẫn lấy được cảnh vật phía sau.
Máy ảnh xử lý chế độ này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nhìn chung, máy ảnh đều sử dụng đèn flash để làm sáng chủ thể phía trước trong khi giảm tốc độ để bắt được khung nền phía sau bằng ánh sáng tự nhiên.
Một cách xử lý khác là không dùng đèn flash và chụp liên tục vài ảnh ở các khẩu độ khác nhau rồi sau đó kết hợp các ảnh lại để tạo một ảnh đủ sáng.
Máy ảnh sẽ sử dụng những ảnh dư sáng trong loạt ảnh đó để làm rực các chi tiết ở những vùng tối và cả những chi tiết trong vùng có ánh sáng đèn. Trong cả hai cách xử lý này ở chế độ chụp chân dung đêm, đôi khi bạn cần chụp với chân máy hoặc kê máy lên một điểm tựa cố định nào đó.
Qua thử nghiệm, chế độ Auto rất khó có thể bắt được những chi tiết ở cảnh nền. Vì đèn flash quá mạnh và tốc độ chụp hơi nhanh (1/30 giây) nên ảnh chỉ sáng được những chủ thể phía trước. Ví dụ như biển hiệu "Pier 28" phía sau ảnh thử nghiệm khó nhận ra được khi chụp ở Auto.
Với chế độ Night Portrait của S90, máy sử dụng đèn flash, mở khẩu độ ở f/2.2 và giảm tốc độ còn 1/8 giây. Hình ảnh ở chế độ này tốt hơn nhiều so với để ở Auto khi thể hiện được chi tiết cả ở phía trước lẫn cảnh vật phía sau và bạn dễ nhận ra được biển hiệu "Pier 28".
Máy ảnh cũng sử dụng ISO ở 500 để làm sáng tòa nhà và cây cầu ở cảnh nền, là những đối tượng mà đèn flash không thể đánh tới.
Còn khi tự điều chỉnh, NTN dùng đèn flash để chiếu sáng chủ thể phía trước nhưng giảm ISO còn 320 và giảm tốc độ chụp còn 0,6 giây để lấy được cảnh nền và giảm bớt độ nhiễu cho ảnh; đồng thời, chụp ở khẩu độ f/5.6 để có trường ảnh sâu hơn, làm nổi rõ chi tiết cảnh nền.
Tuy vậy, khác biệt giữa điều chỉnh thủ công so với chế độ Night Portrait không nhiều. Hiệu ứng của tăng giảm khẩu độ sẽ dễ dàng nhận ra hơn khi bạn chụp với dòng máy DSLR và các máy ảnh có kích thước cảm biến lớn.
Khi điều chỉnh thủ công với thiết lập khẩu độ như trên, bạn sẽ thấy được đèn đường ở cảnh nền lóe lên dạng ngôi sao. Bạn cũng có được hiệu ứng như vậy bằng cách chỉnh khẩu độ nhỏ hơn khi chụp với bất kỳ ánh đèn nào.
Thêm chút kỹ năng và sáng tạo, bạn có thể tận dụng đèn flash để tạo cho chế độ chụp Night Portrait hiệu quả hơn: nếu máy ảnh của bạn có hỗ trợ, bạn có thể chỉnh cho cường độ đèn thấp xuống để tránh bị dư sáng cho đối tượng phía trước, hoặc thậm chí bạn đặt một tờ giấy hoặc vải phía trước đèn flash để giảm cường độ của nó.
Chụp hoàng hôn (Sunset)
Nếu may mắn được thấy một cảnh hoàng hôn tuyệt vời thì bạn sẽ muốn là ghi lại được khoảnh khắc ấy. Chế độ chụp hoàng hôn thực ra là chế độ chụp phong cảnh (Landscape), nghĩa là máy ảnh thiết lập tiêu cự ở vô cực và chỉnh khẩu độ nhỏ để có được góc nhìn rộng và mọi vật đều không bị mất nét.
Tuy nhiên, có một điểm khác giữa chế độ Sunset và Landscape là chế độ Sunset tăng thêm tông màu đỏ nên tạo cho màu sắc hoàng hôn thêm phần rực rỡ. Cách chỉnh sửa màu sắc này có vẻ hơi "ăn gian" nhưng kết quả rất mãn nhãn.
Chế độ Auto nhận diện chính xác khung cảnh thử nghiệm là chế độ phong cảnh và vì nó không cân chỉnh màu sắc nên hình ảnh giống như màu sắc bên ngoài. Nếu bạn muốn có được tấm ảnh màu sắc chính xác và chi tiết khi chụp hoàng hôn, hãy dùng chế độ Auto.
Chuyển sang chế độ Sunset, màu trời có chiều sâu hơn, nhìn kỹ sẽ thấy những sắc ngả đỏ hơi giả. Nếu bạn cảm nhận màu sắc ảnh như vậy đẹp hơn ở Auto thì hãy chọn chế độ này khi chụp.
Còn với chỉnh thủ công, NTN cố chụp một cảnh hoàng hôn ấn tượng mạnh bằng cách sử dụng những bộ lọc màu. NTN đóng khẩu độ còn f/8.0 để tăng trường ảnh và sử dụng tốc độ chụp từ trung bình đến nhanh. NTN cũng tăng gam màu xanh dương, xanh lá, đỏ và độ tương phản để có được tấm ảnh đậm chất nghệ thuật.
Tùy vào thông số chọn lựa, ảnh trông sẽ rất khác biệt: đôi khi mọi thứ ngả sang màu vàng ấm, đôi khi tăng một chút màu xanh da trời, và thỉnh thoảng mọi thứ ngả sang màu đỏ hơi hồng.
Vài người khi xem qua các tấm ảnh chụp hoàng hôn ở 3 chế độ chụp này đều thích những ảnh chụp ở chế độ Sunset hơn. Màu sắc ở chế độ Sunset và chỉnh thủ công đều trông có vẻ giả tạo nhưng ở chế độ Sunset thì trông thực hơn cả.
Với cảnh chụp hoàng hôn, PCWorld Mỹ "chấm điểm" chế độ Sunset nhưng cũng tùy vào khung cảnh hoàng hôn cụ thể mà bạn nên chụp thêm vài ảnh sử dụng các chế độ màu sắc khác nhau mà máy ảnh bạn có hỗ trợ để có thể thấy được những khác biệt thú vị về các bộ lọc màu.
Chụp ảnh chuyển động
Chế độ chụp ảnh chuyển động được phân loại theo tên và chức năng. Như để chụp cảnh chuyển động dạng lướt qua, chọn lựa tốt nhất là bạn chụp ở chế độ liên tục hoặc còn gọi là chụp Burst.
Ở chế độ này, màn trập sẽ nhảy liên tục, mỗi tấm ảnh là một khung hình trong chuỗi khung hình liên tục đó. Nếu trong một giây bạn chụp được càng nhiều khung hình thì tỉ lệ bạn có được tấm ảnh mong muốn sẽ càng cao.
Tuy vậy, điều không may là nhiều máy ảnh ngắm-chụp không hỗ trợ tính năng chụp liên tục. Hầu hết máy ảnh ngắm-chụp tầm phổ thông có một chế độ chụp tăng độ ISO để có thể lấy được nhiều ánh sáng và sử dụng tốc độ màn trập nhanh nhất để bắt đối tượng chuyển động.
Cách này khiến bức ảnh dễ bị nhiễu hạt và bạn chỉ có 1 cơ hội bấm máy để có được tấm ảnh chuyển động ưng ý. Chế độ này thường được đặt tên là "Sports" hoặc "Action", và thỉnh thoảng vài máy ảnh gọi là "Anti-blur", "High Sensitivity" hoặc "Kids and Pets".
Vài máy ảnh cũng có chức năng tự động lấy nét chủ thể chuyển động, là máy "bắt nét" vật thể chuyển động đó. Chức năng này nhìn chung hoạt động rất tốt nếu chủ thể mặc quần áo sáng màu hoặc có màu sắc tương phản mạnh với môi trường xung quanh.
Trong thử nghiệm, NTN nhận thấy chụp chuyển động nhanh giữa 3 chế độ: Auto, chụp với cảnh định sẵn và chỉnh thủ công đều không có nhiều khác biệt. Chế độ Auto tự động chuyển tốc độ lên 1/500 giây và khẩu độ ở f/6.3 để giữ cho nền được rõ nét. Mặc dù áo thun và giày của chủ thể hơi bị mờ nhưng chế độ Auto cho hình khá tốt.
Tuy vậy, ở chế độ "Kids and Pets" trên máy S90 thử nghiệm lại chọn khẩu độ 1/320 giây và so với chế độ Auto, hình ảnh hơi mờ một chút và khi phóng lớn thì ảnh hơi bị mất nét, có thể thấy rằng chế độ lấy nét tự động khó bắt dính được đối tượng.
Với điều chỉnh thủ công, NTN chỉnh tốc độ nhanh nhất có thể, chụp ở 1/1250 giây, bắt được đối tượng. Vì để tốc độ chụp nhanh như vậy nên hình ảnh sẽ hơi bị thiếu sáng nhưng rõ ràng là hình ảnh không bị mờ do mất nét và rung tay, và khi cắt xén, phóng to ảnh thì hình ảnh không bị nhiễu hạt do ISO.
Tuy vậy, khi chụp đối tượng chuyển động, không phải tấm ảnh nào "bắt dính" đối tượng, không bị mờ do chuyển động đều là ảnh đẹp. Trong những ảnh thử nghiệm trong bài, ta không thể nhận biết được đối tượng di chuyển nhanh như thế nào.
Bạn cũng có thể sử dụng vài phương pháp khác để chụp đối tượng chuyển động. Nếu máy ảnh bạn có thể chỉnh được tốc độ thì bạn có thể chỉnh làm sao cho đối tượng đang di chuyển trông như họ đang chuyển động nhanh.
Bằng cách giảm tốc độ và zoom gần vào và "lia máy" theo đối tượng, bạn có thể tạo được một vệt mờ phía sau đối tượng.
Đặt máy ảnh lên chân máy, ngắm vào một đối tượng đang chuyển động và chuyển sang tốc độ chậm cũng là một cách chụp cảnh giao thông về đêm rất tuyệt vời: cảnh nền trông rất sắc nét trong khi các dòng xe di chuyển tạo thành những vệt sáng chạy dài do đèn xe tạo ra. Áp dụng tốc độ chậm và chân máy cũng là một kỹ thuật phổ biến để chụp dòng nước chảy, lúc này bạn sẽ thấy bề mặt dòng nước rất mượt mà và bạn cảm nhận được tính "động" trong tấm ảnh.
Sơ lược về những điều khiển thông dụng
Tốc độ: dùng tốc độ màn trập chậm giúp bạn bắt được nhiều ánh sáng hơn và điều này cũng khiến cho đối tượng bị nhòe. Trong hầu hết trường hợp, bạn nên sử dụng tốc độ chậm với chân máy (hoặc chí ít là đặt máy trên một bề mặt phẳng, vững chắc). Miễn là máy ảnh và chủ thể đứng im, chụp ở tốc độ chậm là một vũ khí "thượng hạng" để có được tấm ảnh đủ sáng, nhiều chi tiết trong môi trường ánh sáng yếu.
Nếu bạn chụp tốc độ chậm với một đối tượng chuyển động thì sẽ tạo được hiệu ứng nhòe, làm cho tấm ảnh có nét sáng tạo. Trái lại, nếu bạn chụp đối tượng chuyển động với tốc độ nhanh thì có thể bắt đứng đối tượng chuyển động.
Khẩu độ: có thể xem khẩu độ là "cực âm" so với tốc độ là "cực dương" và bạn cần kết hợp chúng thật hài hòa thì mới có được tấm ảnh đủ sáng và đẹp. Khẩu độ mở càng lớn thì càng nhiều ánh sáng lọt vào ảnh nên bạn có thể chọn tốc độ nhanh hơn. Ống kính với khẩu độ lớn cũng cho phép bạn chụp với hiệu ứng trường ảnh cạn, nghĩa là đối tượng chụp rất nét và môi trường xung quanh mờ đi.
Tìm ra được "điểm ngọt" trên máy ảnh của bạn có thể hơi vất vả: vài kiểu kết hợp tốc độ và khẩu độ tạo được hiệu ứng ảnh rất đẹp như ảnh cố tình chụp thiếu sáng hoặc ảnh hoàn toàn dư sáng. Bạn có thể tìm ra được sự cân bằng giữa tốc độ và khẩu độ này bằng nếu máy ảnh có chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (thường có ký hiệu "A", viết tắt từ Aperture priority) hoặc ưu tiên tốc độ ("S", shutter priority). Lúc này, bạn chỉ việc chọn tốc độ hoặc khẩu độ để cố định 1 thông số này, phần việc còn lại máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh sao cho các thiết lập còn lại tối ưu.
Thiết lập cân bằng ISO: chỉ số ISO càng cao thì càng cho bạn chụp tốt trong những môi trường thiếu sáng và chụp với tốc độ nhanh mà không cần dùng đến flash. Mặc dù ISO làm sáng ảnh mà không cần quan tâm đến tốc độ hay khẩu độ nhưng thiết lập ISO cao quá sẽ có xu hướng làm giảm chất lượng ảnh. Với hầu hết máy ảnh ngắm-chụp, thiết lập ISO cao đồng nghĩa với việc ảnh sẽ bị nhiễu hạt. Thực chất, chất lượng của ảnh ISO cao là một trong những khác biệt lớn nhất giữa máy ảnh ống kính rời (DSLR) và máy ngắm-chụp. DSLR có cảm biến lớn, mạnh, có khả năng loại bỏ nhiễu hạt trong khi máy ảnh ngắm-chụp tầm phổ thông thì ngược lại.
Đẩy cao thiết lập ISO trong máy ảnh cũng còn ảnh hưởng đến độ chính xác về màu sắc. Máy ảnh thường có xu hướng thu nhận màu ngả sang đỏ hoặc cam khi bạn tăng độ nhạy sáng của cảm biến.
Theo The Saigon Times & Pcworld.com
Du lịch, GO!