Trong các lễ hội đầu năm hay những dịp hội hè, người Mông tại Mộc Châu, Sơn La thường tổ chức những cuộc thi đánh yến. Ban đầu chỉ đơn giản là trò chơi dân gian của những cặp trai gái ngày xuân bầu bạn , nhưng trải qua nhiều thế hệ: đánh yến trở thành một môn thi đấu không thể thiếu tại các ngày hội của đồng bào dân tộc .
Hội đánh yến diễn ra trên những khu đất rộng và bằng phẳng. Người chơi được chia làm hai bên nam và nữ, cũng có thể là hai đội nam nữ lẫn nhau tùy theo từng cuộc chơi. Trò đánh yến cũng gần giống đánh cầu lông. Quả yến được làm bằng tre mai, giữa đế nối một ống trúc ngắn cắm từ ba đến năm chiếc lông gà.
Vợt làm bằng thứ gỗ mềm và nhẹ, to hơn vợt bóng bàn một chút và có hình chữ nhật. Người chơi sẽ dùng vợt này để đánh quả yến sang phần sân của đối phương. Trong khi chơi, họ giao ước với nhau về số lần đánh trúng hoặc đánh qua lưới, nếu bên nào thua thì phải hát một bài, thổi một điệu khèn hoặc làm một điều gì đó mà hai bên cùng quy định, đôi khi cũng có thể là những phần thưởng cho bên nào thắng.
Đánh yến là một trò chơi giao duyên truyền thống, vừa là một trò chơi thi đấu như một môn thể thao.
Thanh niên đến cuộc chơi vừa vui vừa để tìm bạn đời. Vì vậy trò đánh yến có hai hình thức chơi: Nếu là chơi đánh yến giao duyên, mỗi khi đến hội, trai gái người Mông thường mang theo quả yến và vợt để tự đánh với nhau, một bên nam và một bên nữ.
Đánh yến không hạn chế về số lượng người chơi, có lúc tới hằng trăm đôi trai gái đứng vây thành một vòng tròn rộng để cho nhiều quả yến cùng bay một lúc.
Cũng có thể chỉ cần 2 người, một nam và một nữ là có thể chơi. Đánh yến giao duyên không cần lưới mà chỉ đánh qua đánh lại cho vui. Thông qua đó, họ thầm kín trao cho nhau cả những ánh mắt, nụ cười. Trong cuộc vui nếu cô gái, chàng trai ưng một người nào đó, họ sẽ khéo léo thể hiện tình cảm qua ánh mắt, nụ cười. Nếu không ưng nhau thì họ tìm cách từ chối khéo không để mất lòng nhau rồi cùng tìm bạn khác để tiếp tục chơi.
Nếu là đánh yến trong một cuộc thi, hai đội sẽ cùng đánh yến qua một lưới cao chừng 2 mét sang phần sân chơi của bên kia như đánh cầu lông. Bên thắng cuộc sẽ được một phần thưởng do cuộc chơi quy định từ trước. Tuy nhiên, những phần thưởng này cũng thường rất đơn giản và mang tính khích lệ vui vẻ trong ngày hội. Thường thì người thua sẽ phải trao tặng cho người thắng những món quà của mình, các cô gái thường tặng những tấm khăn thêu, những sản phẩm từ chính đôi tay khéo léo với một lời nhắn về một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Tại các lễ hội, trước lúc diễn ra trò thi đánh yến, các bà then, ông mo mặc áo thêu hình chim én, với tiếng đàn thánh thót và giọng hát mượt mà “dẫn dắt” mọi người trong hội theo cánh én mùa xuân lên thăm Mường Trời, nơi có những cảnh vật thần tiên mà con người hằng mong ước đến cuộc sống no ấm, tươi đẹp… Sau đó, các Pú Mo lấy những quả yến từ mâm cúng phân phát cho mọi người cùng thi trong hội.
Tương truyền rằng, đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở “Mường Trời”. Trong một chuyến du xuân dưới hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu. Yến ban đầu được đánh bằng tay, sau này được đánh bằng vợt gỗ cũng không biết tự bao giờ. Từ năm 2000 , đánh yến đã chuyển thành một môn thi đấu tại hội thể thao người dân tộc .
Theo ANTĐ - Ảnh Soha.vn
Du lịch, GO!