Bắc Yên với 'Bài ca trên núi'.

(TTO) - p ủ mãi cũng có ngày được ca “Bài ca trên núi”. Nơi ấy - Bắc Yên, nơi có những con đường chênh vênh sườn núi, những cánh rừng sơn tra rì rào, những cành chè cổ thụ Tà Sùa ngạo nghễ, hiên ngang.

< Đường từ Bắc Yên đi Tà Xùa.

Ở đâu giữa những con đường mây trắng, đường lên bản Hồng Ngài của Vợ chồng A Phủ? Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Ðồng... Với dân phượt, những cái tên xã nói trên có một sức hút lạ lùng ngay từ khi đường lên Bắc Yên vẫn được coi như “đường lên trời”.

1. Nhưng bây giờ, câu chuyện về con đường đã khác, những con đường đã được trải nhựa đến tận xã cuối cùng Hang Chú, thậm chí đường từ Trạm Tấu (Yên Bái) nối sang Bắc Yên cũng thông suốt. Những nốt nhạc trong Bài ca trên núi trở nên ngân nga hơn bao giờ hết. Còn chần chừ gì mà không lên đường?

< Lúa nương đã chín vàng lưng núi.

Thông thường, nếu xuất phát từ Hà Nội, con đường đơn giản nhất để đến với Bắc Yên là theo quốc lộ 32 đi Sơn Tây - Thanh Sơn - Thu Cúc rồi rẽ trái vào thị trấn Phù Yên và dừng chân ở Bắc Yên. Cung đường này khá đẹp, mặt đường tốt, đồi, đèo, núi, sông trong nắng vàng là một màu xanh ngút mắt, giao thông không quá bận rộn nên cảm xúc chạy xe rất thư thái, nhẹ nhàng.

Chúng tôi đi ngược. Bỏ lại sau lưng những cái tên Xím Vàng, Làng Chếu, Tà Sùa, Phiêng Ban loang loáng trong ánh đèn xe máy, chúng tôi đặt chân lên thị trấn Bắc Yên theo hướng đi từ Trạm Tấu (Yên Bái) và tất nhiên vượt qua đỉnh đèo Yên Ngựa (con đèo ranh giới giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La) trong đêm.


< Tấm áo sắc màu.

Con đường vừa đi ngoài độ cao và xoắn đến chóng mặt, là bóng đêm, là tiếng rừng rầm rì, là le lói thứ ánh sáng dẫn đường của nhà dân lác đác hai bên đường. Im lặng và trầm tư. Bắc Yên đã đón chúng tôi như thế.

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La nằm trên sườn nam của dãy Hoàng Liên Sơn với địa hình hiểm trở, đồi núi cao bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Đây là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc anh em, trong đó người Mông chiếm đông nhất, chủ yếu tập trung ở các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Ðồng.

Và tất nhiên, theo tập quán của người Mông, những xã này toàn nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển.

< Thị trấn Bắc Yên dưới chân dãy Tà Xùa.

2. 6g sáng, điện thoại kêu inh ỏi. Người bạn đồng hành hối hả giục dậy đi săn mây. Mây Tà Xùa danh bất hư truyền. Chè Tà Xùa nức tiếng bốn phương. Nắng lên rồi, mặt trời trên núi nhanh lắm, sẽ chả mấy mà vén bức màn mây, là sẽ lỡ bức tranh sơn thủy hữu tình của vùng cao Tây Bắc. Tôi vùng dậy, những mỏi mệt sau một ngày dài di chuyển đã trốn đâu hết cả, trong lòng tràn ngập niềm vui của sự háo hức và mong chờ.

15km đường từ thị trấn Bắc Yên qua Phiêng Ban lên Tà Xùa đúng là con đường trong mơ. Giữa không gian của một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh, ba chiếc xe máy nối đuôi nhau leo đèo. Từng khúc quanh lại mở ra một khuôn hình mới, một độ cao mới, ngoái đầu nhìn lại, ô kìa, thị trấn Bắc Yên bé nhỏ đang nằm lấp ló dưới chân núi Tà Xùa.

< Trẻ em cũng đi gặt giúp gia đình.

Từng đoạn đường thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây. Xe chạy rồi lại dừng, dừng rồi lại chạy, giống như một trò chơi cút bắt giữa thằng người bé nhỏ với thiên nhiên hùng vĩ. Những khoảnh khắc của nhởn nhơ, thơ trẻ vô cùng. Tà Xùa có một đặc sản mà ai cũng biết: đó là những gốc chè tuyết Shan cổ thụ sinh tồn ở độ cao trên 1.500m, nơi quanh năm mây phủ, nơi thổ nhưỡng có độ ẩm cao và khí hậu trong trẻo, mát lạnh tạo nên một hương vị đặc biệt cho cây chè mà không nơi nào có được.

Chè Tà Xùa búp trắng, cánh vàng, lá to, được chăm bón tự nhiên, khi pha lên có màu nâu sẫm, lúc uống vào có vị đắng chát nhưng lại ngọt dần trên đầu môi, cuống họng, hương vị rất đậm đà. Một ấm trà pha đến nước thứ 4, thứ 5 vẫn còn ngon. Người Mông ở Tà Xùa bảo chè phải pha bằng nước suối vùng này mới có được hương vị ngon nhất. Mà sẽ đặc biệt hơn nếu là trà hái từ những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, già nhất từ bản Mống Vàng hay Chung Chinh.

< Phơi ngô.

3. Tạm biệt Tà Xùa mây trắng, nắng tràn, chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên con đường đi về ngã ba Xím Vàng - Hang Chú - Trạm Tấu. Thỉnh thoảng lại gặp một nhóm đồng bào đang phơi ngô bên đường, gặt lúa lưng núi, hay đám trẻ đi chăn trâu, kiếm củi hay lãng mạn hơn là bọn con gái đi hong nắng và thêu thùa.

Con đường xuyên qua những cánh rừng sơn tra rì rào trong gió, với một vẻ yên tĩnh mềm mại khiến lòng người trở nên diệu vợi lạ lùng. Tôi siết tay bạn đồng hành thì thầm, có một cái võng mắc ngang rừng táo mèo này thì hay biết bao.

Hai chiến mã đã quay xe rong ruổi trở lại với mây trắng Tà Xùa, chỉ còn chúng tôi vẫn mải miết trên con đường vắng vẻ. Và rồi, một bức tranh mùa vàng mênh mang hiện ra giữa điệp trùng mây núi, đường vào Hang Chú xa xôi tận bên kia một thung lũng dài.


< Hai em gái người Mông với trang phục đầy sắc màu.

Ở đâu sau tấm áo vá rạng ngời kia là hang A Phủ, là dấu tích đồn Pháp và hòn đá Mùa Chống Lầu? Có phải nếu đến tận cùng con đường ấy mình sẽ có dịp được say mèm bởi men rượu thóc Hang Chú không?

Dừng xe bên một mái nhà thấp ngang con đường, tôi nhìn hút tầm mắt vào khoảnh sắc màu ấm áp và trù phú đang trải ra về tận phía chân trời kia, lòng tràn đầy một cảm xúc vừa hân hoan, vừa lắng đọng. Nếu không lên đường, không dấn thân vào những chuyến đi, tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp của đất nước mình, vẻ đẹp của mây trời, sông núi, vẻ đẹp của những bài ca “dù đi cùng trời, dù đi khắp núi” Bắc Yên...
Xem thêm >

Theo Mộc Hà. Châu Giang (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!