(Vietnamnet) - Sáng nay, 19/9, tại Hà Nội diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách "Đừng chết ở châu Phi" của Huyền Chip. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về chuyến đi của Huyền Chip có thật sự diễn ra – đã bùng phát trong hơn chục ngày qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
< Những ngày qua, đông đảo người đã đòi cô đưa ra bằng chứng về chuyến đi, cụ thể là visa. Và tại họp báo: Huyền đã công bố để khẳng định mình không hề nói dối.
Khi bắt đầu diễn ra buổi ra mắt sách, Huyền Chip chia sẻ vui rằng: "Bạn tôi khuyên nên đội mũ bảo hiểm để tránh gạch đá".
"Tôi không tính tổng chi phí chuyến đi"
Phần quan trọng trong buổi hội thảo này là khi Huyền Chip đã giải đáp những thắc mắc của cộng đồng mạng gây “bão” trong thời gian qua. Huyền Chip đã có câu trả lời cực kỳ rõ ràng như số lượng visa cụ thể cô có được – bằng “màn” xuất trình visa ấn tượng với sự giúp đỡ của GS Nguyễn Lân Dũng.
< Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu cuốn visa các nước Huyền Chip đã đi qua.
Tuy nhiên, vẫn có thắc mắc trong trường hợp visa của Israel. Theo tài liệu do Đại sứ quán của Israel tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Israel cung cấp chỉ ra rằng đối với công dân Việt Nam, khi đi du lịch cần phải có chứng minh tài chính (tối thiểu 5.000 đô la) để có thể được cấp visa. Giải thích cho việc nhận được visa Israel mà không phải qua “cửa” chứng minh tài chính, Huyền thừa nhận “ Tôi không thể giải thích tại sao lại như thế vì mình không phải là người lập nên chính sách ngoại giao”.
Với câu hỏi của nhiều người về tổng chi phí cho chuyến đi, Huyền cho biết “700 USD chỉ là số tiền bắt đầu chứ không phải tất cả”, còn con số cụ thể “Tôi không tính”.
Trước việc có “bằng chứng” cho rằng ngay trước chuyến đi cô đã dự tính chi phí 25 nghìn USD, Huyền khẳng định: “Đây là con số dự kiến từ đầu chuyến đi, khi tôi chưa hề có khái niệm là sẽ đi cụ thể như thế nào. Tôi đưa ra con số đó vì ban đầu cũng dự kiến kêu gọi tài trợ, với suy nghĩ đơn giản người ta đưa tiền xong là xong. Nhưng sau đó chỉ có 1 công ty trả lời đồng ý tài trợ, với dự thảo hợp đồng rất phức tạp, từ việc đi đâu, làm gì, báo cáo ra sao, viết bài thế nào… nên tôi từ bỏ luôn việc xin tài trợ. Có bao nhiêu, tôi tiêu bấy nhiêu, đi đến đâu kiếm việc làm ở đó để sống và tích lũy đi tiếp".
Cô gái quê Nam Định, vốn là dân chuyên toán ĐH Khoa học Tự nhiên, lập luận: "Người ta chỉ tính ngân sách khi có ngân sách để chi tiêu. Còn trên thực tế, có những khi tôi sống vài ngày mà không tiêu một xu nào. Ở những nước châu Phi, thường chỉ tiêu 5 – 10 USD/ ngày. Nói chung là đi đến đâu tính đến đấy".
Huyền khẳng định mình chưa bao giờ nói là xin việc dễ dàng.
"Những công việc tôi từng làm có thể kể đến việc viết bài cộng tác với báo ở trong nước, viết báo cho một số trang web, với khoảng 200 bài trong vòng 6 tháng, trung bình 10 USD/ bài, có tiền thưởng thêm nếu bài nhiều lượt đọc. Tôi làm ở sòng bạc 2 tháng, được trả 150 USD/ tuần. Đi đóng phim ở Bolywood… Ngoài ra tôi còn làm những việc không kể đến trong sách như tổ chức sự kiện ở Nepal… Tất cả những việc tôi làm đều không có lương theo hàng tháng”. Xem thêm >
Cô cũng mở lại cả những trang web ở nước ngoài, nơi đã đến du lịch và xin làm công việc viết bài, biên tập cho trang web đó và khẳng định: “Ở nước ngoài việc làm bán thời gian không phức tạp như các bạn tưởng tượng. Xin việc không quan trọng là người nước nào mà năng lực của người đó như thế nào. Cho đến giờ, mình có thể khẳng định mình đi du lịch bằng sồ tiền mình đã tự kiếm được”.
Có mặt tại buổi ra mắt sách, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu: “Tôi không những đọc sách của Huyền mà còn trực tiếp viết lời giới thiệu cho cuốn sách trên blog. Tập hai Đừng chết ở châu Phi chắc chắc chắn hay hơn tập 1 (Châu Á là nhà, đừng khóc). Phải nói là Chíp quá giỏi. Với tinh thần dám vào chỗ khó, chỗ khổ tôi quả là rất khâm phục. Sách của Chíp quá nhiều thông tin lý thú, ai chưa đọc thật là đáng tiếc. Đọc xong ta thấy mình lớn lên. Tôi 76 tuổi đọc xong vẫn thấy mình lớn lên một tí. Tôi hơi buồn vì đây là một cuốn sách viết về người thật, việc thật nhưng một số người chưa đọc cuốn sách, chưa tìm hiểu kỹ đã bàn luận này nọ” .
Trước câu hỏi dành cho vị khách mời này: “Các vị có cho rằng những câu chuyện của Huyền Chip có đẩy con cái chúng ta… vào chỗ chết không?”, GS Nguyễn Lân Dũng nhanh chóng khẳng định: “Tôi không tin”.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi không tin là đọc xong sách của Huyền Chip, các bạn trẻ sẽ xách ba lô lên đi hết và lao đầu vào chỗ chết. Tôi đã đi khoảng 30 nước, chủ yếu là đi công tác, có xe đưa rước tận nơi, xem cảnh nọ cảnh kia, không phải điện thoại cho người của couchsurfing chờ được đón, không bị đe dọa, không có chỗ nào lại không có người biết tiếng Anh, hay không điện nước... Và không có một quốc gia nào tôi có được cảm xúc mạnh mẽ mà Huyền có được ở những nơi cô đã qua – cảm xúc của một thanh niên mới lớn, giàu nghị lực.
Các bạn trẻ muốn đi phải cân nhắc năng lực. Nếu tiếng Anh tốt, có khả năng làm được nhiều loại công việc khác nhau để kiếm sống, có nghị lực, thì lên đường”.
< Huyền Chip tự tin trả lời các câu hỏi của khán giả tại buổi họp báo.
Bà Nguyễn Hồng Ánh thì cho biết “Tôi đi công tác nhiều, nhưng khác với bác Lân Dũng, trong những chuyến công tác đó, tôi luôn tìm cơ hội để trải nghiệm – đi đến 1 quốc gia thì sẽ tìm cách sang 2, 3 quốc gia lân cận. Vì vậy, tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tìm đường, tìm khách sạn, tìm bạn… Nhưng chủ yếu là tôi đi một mình, vì không rủ được ai can đảm đi cùng. Khi rủ người nào đó đi, họ hay hỏi: Nếu đi thì ai trả tiền? Đi như thế nào? Ai đưa mình đi chơi?... Và tôi trả lời: Với tôi, đi ở chân, đường ở mồm, tiền thì đi làm bao nhiêu năm chẳng lẽ không có?
... Theo tôi, đừng nhảy vào khi không chuẩn bị, và phải có đam mê. Cùng một cơ hội, hoàn cảnh, môi trường nhưng sở thích, đam mê, cá tính thế nào sẽ sống theo kiểu đấy” (xem thêm>)
Với những điều nữ phượt thủ 9X Huyền Chip đã chia sẻ và những tâm sự rất chân thành của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tại buổi họp báo, hi vọng rằng cơn bão trong cộng đồng mạng thời gian qua sẽ phần nào lắng xuống. Mỗi người có một con đường và lựa chọn riêng cho mình. Huyền Chip đã đi nhưng như cô nói, cô không hề xui ai làm như vậy. Chỉ cần mỗi người tự thấy mình có đủ can đảm và nghị lực thì thế giới sẽ luôn rộng mở trước mắt (xem thêm >)
Đừng chết ở châu Phi chính thức được phát hành ngày 19-9 là quyển sách Huyền Chíp kể lại hành trình lắm gian nan nhưng thú vị qua những vùng đất khắc nghiệt và hoang dã ở châu Phi. Huyền Chíp thổ lộ trong cuốn sách: “Châu Phi với tôi là một châu lục của những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ...”. Xem thêm >
Báo Vietnamnet + Tuổi Trẻ + Lao Động
Du lịch, GO! trích để bạn tỏ tường.