Đi thuyền trên kênh Cầu Chùa

Bạn sẽ hỏi kênh Cầu Chùa nằm ở đâu? Giữa mênh mông sông nước của sông Tiền Giang, bờ bên kia là thành phố Mỹ Tho, bờ bên này là Bến Tre.

Kênh Cầu Chùa nằm  lọt ở giữa Cồn Phụng, thuộc huyện Châu Thành, Bến Tre. Trong cuộc hành trình tham quan miệt vườn của du khách, cảm giác tuyệt vời nhất chính là đi thuyền trên kênh Cầu Chùa.

Chúng tôi được đón ở bến phà Rạch Miễu (cũ), tại đây một chiếc thuyền du lịch lớn đưa chúng tôi đi dọc theo sông Tiền để ngắm nhìn các cồn với tên gọi: Long, Ly , Quy, Phụng…

Thuyền chạy sát bờ để cho khách ngắm nhìn những cây bần mọc san sát nhau hai bên bờ, để cô hướng dẫn viên sẽ hỏi đố: “Đố anh rễ bần có tên là gì?” Và khi biết được cái tên rất dân dã gọi rễ bần ấy ai cũng không khỏi bật cười. Cuộc hành trình được dừng lại ở một cây cầu gỗ, từ cây cầu đi qua một khoảng trời được bao phủ bởi cây dừa nước.

Điểm tham quan đầu tiên của tour du lịch miền sông nước ở Bến Tre chính là vào nơi sản xuất kẹo dừa. Bến Tre được biết đến là xứ dừa, kẹo dừa Bến Tre với gần 100 nhãn hiệu đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Việc chứng kiến công đoạn chế biến kẹo dừa, sau đó mua một ít đem về làm quà cho bạn bè là điều thú vị. Bên cạnh đó, bánh tráng Bến Tre cũng là thương hiệu nổi tiếng. Du khách có thể học cách tráng bánh tráng, và sau đó ăn chiếc bánh tráng đầu tay của mình vẫn còn nóng hổi.

Một chiếc xe ngựa đợi sẵn để đưa khách đi tiếp trên con đường quê tới vườn nuôi ong, thưởng thức trà mật ong, nghe đờn ca tài tử. Tất nhiên là ngồi trên chiếc xe ngựa ấy, phải vịn cho thật chặt kẻo rơi xuống đất, vì đi xe ngựa chủ yếu là cảm giác. Nhưng tôi lại nôn nóng để lên chiếc thuyền gồ đợi sẵn ngay bến sông để dạo chơi trên kênh Cầu Chùa.

Kênh Cầu Chùa nhỏ nhưng có tới 62 chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc thuyền có thể chở 5 khách. Khách ngồi trên những tấm gỗ đã đặt sẵn và phải ngồi thật vững vàng kẻo lọt xuống kênh. Mỗi chiếc thuyền gỗ có một người phụ nữ Bến Tre dùng hai mái chèo đưa khách dọc theo con kênh. Chị Lành năm nay 37 tuổi cho biết, chị làm nghề chèo thuyền đưa khách tham quan trên kênh Cầu Chùa đã 7 năm. 7 năm ròng rã khuya mái chèo, chị quen cả từng ngọn dừa nước, từng con đường nhỏ của những nhà dân quanh kênh, quen cả mùi bùn của con kênh.

Chị Trinh thì trẻ hơn, năm nay 32 tuổi, là người chèo thuyền đưa chúng tôi ra cửa sông. Chị bảo cuộc hành trình đi trên kênh Cầu Chùa chỉ 2km là ra cửa sông, mỗi chuyến như vậy được công ty du lịch trả 15.000 đồng, nếu xoay vòng một ngày 5 chuyến thì được 75.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc thu nhập như thế làm sao đủ sống, chị Trinh cười: “Nhờ vào tiền bo của khách”. Thậy vậy, gần như du khách nào khi được ngồi trên chiếc thuyền gỗ, cũng đều để lại chút ít tiền cho người đang chèo thuyền đưa mình ra cửa sông.

Chiếc thuyền gỗ nhỏ làm đẹp cho sông nước Bến Tre ấy có cái lạ là đều không vẽ mắt trên đầu thuyền, mà sơn màu xanh dương ở phần dưới, còn phần trên là gỗ để nguyên. Trên thuyền có thêm mái chèo phụ, khách có thể cầm mái chèo cũng chèo thuyền để đi giữa cánh rừng dừa nước xanh tươi.

Bề ngang kênh Cầu Chùa chỉ chừng 10 mét. Dọc theo hai bên chỉ có hai loại cây là dừa nước và cây Bần. Dừa nước ở đây cắm rễ xuống lớp bùn phù sa, vươn cao lên 6-7 mét, làm thành vòm cung xanh che dấu con kênh. Cứ thế, những chiếc thuyền cứ nối đuôi nhau đưa khách đi trên dòng kênh như đi trong một địa đạo. Rồi cửa biển lộ ra, ánh sáng chói chang ở phía trước. Ngay chỗ đó có một bến thuyền đang đợi đưa khách đi ngược vào.

Chiếc thuyền đưa chúng tôi lên con tàu lớn. Cuộc hành trình sẽ tiếp tục đưa chúng tôi đến Cồn Phụng. Chủ yếu là tham quan di tích Đạo Dừa trên diện tích khoảng 1.500 m² ở đây và ăn cơm trưa trong những chiếc lều nhỏ với các món ăn thuần túy Nam Bộ như canh chua cá lóc, gỏi cuốn, cá nướng trui... Hiện di tích này vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc được xây dựng từ thời Ông Đạo Dừa-Nguyễn Thành Nam (1909-1990).

Nếu đi tour khách sẽ không phải mua vé, nếu đi tự do phải mua vé vào cổng là 30.000 đồng/ người. Tại Cồn Phụng, điểm nhấn chính là Cửu Trùng Đài với 9 con rồng gồm 8 con cái bao quanh con rồng đực mà mọi người cho rằng nơi này rất linh thiêng.

Tháp Hòa Bình cạnh Cửu Trùng Đài là nơi xưa Ông Đạo Dừa ngồi tu hành, truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc là những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén và một đỉnh lớn cao vút với màu nâu và xám.

Ngay cổng vào, khu nhà trưng bày là những bức ảnh của ông lúc sinh thời, đến khi Ông qua đời và bán các vật lưu niệm. Hiện nay Cồn Phụng đã cải tạo không gian bên ngoài như Hồ nuôi cá sấu, cầu tre cho khách đi tham quan. Một vườn bưởi được trồng rộng khoảng 500m 2 , cột những chiếc võng trên thân cây cho du khách ngồi nghỉ. Ngoài ra, tại đây trồng rất nhiều loại cây ăn trái làm xanh ngát cảnh quan.

Theo Khuê Việt Trường (Báo Khánh Hòa)
Du lịch, GO!