(AutocarVN) - Một xe máy, hai ngày nghỉ cuối tuần, những người ưa xê dịch đã có thể thưởng ngoạn miền Tây sông nước.
< Cầu Rạch Miễu.
Từ Sài Gòn, chạy dọc theo quốc lộ 1 chỉ chừng 70 cây số, cây cầu Rạch Miễu – niềm tự hào của người dân hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre và là một trong 3 cây cầu dây văng lớn nhất của vùng đồng băng sông Cửu Long – đưa chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên. Đó là Cồn Phụng, còn được gọi là Cồn ông Đạo Dừa, nằm trên một cù lao giữa sông Tiền, thậm chí có thể nhìn thấy khi đang di chuyển trên cầu.
Thông thường, mỗi nhóm khách du lịch (dù một người hay cả chục người) đến Cồn Phụng đều được phục vụ riêng biệt trong suốt hành trình với một hướng dẫn viên. Các gói tour (trọn gói) đã được ban quản lý niêm yết rõ ràng với chi phí khá hợp lý, và điều này tạo cho khách du lịch sự yên tâm và thoải mái.
Chiếc xuồng máy với động cơ diesel nổ tành tạch chạy dọc theo Cồn đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất kẹo dừa truyền thống. Ở đây, chúng tôi được chứng kiến, thậm chí có thể tham gia vào bất cứ công đoạn nào trong toàn bộ quy trình làm kẹo dừa thủ công, từ khi bổ những trái dừa còn nguyên vỏ đến công đoạn cuối cùng là đóng gói những chiếc kẹo thành phẩm.
Thật tuyệt khi được thưởng thức những chiếc kẹo vừa ra lò, có thể do chính bàn tay mình làm ra. Điều đặc biệt là kẹo dừa làm theo phương pháp này có thể làm quà mang đi xa mà vẫn giữ được độ mềm và thơm đặc trưng như lúc mới ra lò.
Các nghệ nhân ở quê hương Đồng Khởi còn chứng tỏ rằng hầu hết các bộ phận trên cây dừa đều có giá trị của nó. Hàng chục món đồ gia dụng, mỹ nghệ và đồ chơi đã ra đời từ gỗ dừa, vỏ trái dừa hay lá dừa. Có thể kể ra rất nhiều món đồ hữu ích như những chiếc hộp trang điểm, những chiếc túi xách tay, ống đựng tăm, khung ảnh, hộp bút…
Tiếp đó, một trong những hoạt động hấp dẫn du khách ở Cồn Phụng có lẽ là được ngồi xe ngựa đi thăm vườn cây ăn trái. Tiếng vó ngựa lộp cộp như đưa con người trở lại với thời kỳ cách đây vài thế kỷ.
Đối lập với không khí ngột ngạt và dòng xe cộ nườm nượp bên ngoài, chúng tôi như ở trong một thế giới riêng với không gian tĩnh lặng dưới ngôi nhà lợp lá dừa và thưởng thức vị trà với mật ong và quất, cùng nhiều đặc sản trái cây miền nhiệt đới đang mùa chín rộ. Những du khách cả trong và ngoài nước muốn thể hiện giọng ca của mình cũng có thể trình diễn cùng dàn nhạc đờn ca tài tử những bài hát dân gian của người nông dân vùng sông nước này.
Chúng tôi tiếp tục hành trình, nhưng phương tiện lần này là chiếc ghe chạy dọc theo con lạch nhỏ mà hai bên là dừa nước mọc san sát. Chuỗi nhà hàng nổi trên mặt nước tiếp đón đoàn bằng những món ăn dân dã nhưng đặc sắc của miền Tây Nam Bộ, trong đó không thể không nói đến món cá tai tượng chiên xù, với hình thức cũng như hương vị hấp dẫn, khi ăn thì cuốn vào trong bánh tráng, kèm rau sống và chấm mắm nêm.
Tạm biệt Bến Tre sau gần một ngày thưởng ngoạn, tỉnh lộ 57 dẫn đến Vĩnh Long cũng là một lộ trình đáng để dừng chân và ghi lại những khung cảnh ấn tượng. Những vườn hoa kiểng hai bên đường trải dài tới hàng chục cây số, nhưng tập trung và rực rỡ nhất là chợ hoa ở trị trấn Chợ Lách. Trong không gian của từng trang trại, có thể thấy khung cảnh tham quan và mua bán từ dưới ruộng, đến sân vườn rồi tràn ra cả lề đường, như một chợ hoa khổng lồ.
Ngày thứ 2 của hành trình, bến phà nhỏ ngay trung tâm thành phố Vĩnh Long đưa chúng tôi qua sông Cổ Chiên để đến cù lao An Bình, nơi quy tụ rất nhiều trang trại nổi tiếng với hàng chục các loài cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long như bưởi, xoài, chôm chôm, măng cụt, mít, sầu riêng,… Đây cũng là nơi trồng rất nhiều bưởi năm roi – loại bưởi nổi tiếng trên cả nước. Hầu hết các loại cây trái đều cho thu hoạch rộ bắt đầu từ tháng 5 đến cuối hè hàng năm, trong khi một số loại có thể cho thu hoạch quanh năm.
Nhưng đến An Bình, bên cạnh các hoạt động dã ngoại miệt vườn, những người thích cảm giác lạ có thể được trải nghiệm tốc độ trên lưng đà điểu. Loài chim khổng lồ nhưng không biết bay nổi tiếng này cho thấy rằng đôi chân “khủng” của nó không chỉ vô địch về khả năng chạy nhanh trong họ động vật này, mà còn có thể chịu “tải” một người lớn mà không ảnh hưởng đến khả năng và tốc độ di chuyển. Những quả trứng đà điểu to bằng vốc tay sẽ là những món quà đặc biệt nhất mà du khách đến Vĩnh Long có thể mang về.
Sau khi đã trải nghiệm hai ngày cuối tuần, đường trở về thành phố với tổng chiều dài khoảng 140km có thể khiến cho những cơ thể đã thấm mệt e ngại. Nhưng chúng tôi chợt nhận ra rằng chính lộ trình trở về đó khiến con tim của tất cả những khách phương xa tới đây cảm thấy mến đất miền Tây hơn, thấy yêu hơn cái mộc mạc chân thành của người dân nơi đây.
Những quán café võng ven đường qua địa phận Bến Tre luôn chào đón những đôi chân mệt mỏi, thưởng thức hương vị mát lành của trái dừa tươi và nghỉ ngơi cả tiếng cũng chỉ mất 10.000 – 12.000VND – một cái giá có thể làm cho tất cả những ai từ miền Bắc vào cũng phải giật mình.
Một kỳ nghỉ cuối tuần lý thú với chi phí vô cùng dễ chịu, và điều quan trọng là giải tỏa bao bộn bề của một tuần làm việc. Tạm biệt miền Tây, tạm biệt những con người hồn hậu, nhưng ấn tượng về chuyến đi thì sẽ vẫn còn mãi.
Lộ trình lý tưởng
- Ngày 1: Sài Gòn – cầu Rạch Miễu – Cồn Phụng – Chợ Lách – Vĩnh Long
- Ngày 2: Cù lao An Bình – cầu Mỹ Thuận – Sài Gòn
Tổng chiều dài hành trình: một chiều khoảng 140km, cả đi lẫn về khoảng 280km.
Thông tin hữu ích
- Thời gian đi lý tưởng nhất là từ đầu mùa hè. Đây là khoảng thời gian mà các loại cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch.
- Cái nắng miền Tây không gay gắt đổ lửa như ở miền Bắc, nhưng có thể làm cháy da cháy thịt sau một ngày đi đường. Chính vì vậy, du khách đến đây luôn nhớ mang áo dài để tránh bị cháy nắng. Ngay cả nhiều người dân bản địa vốn đã quá quen với thời tiết nơi đây cũng có những biện pháp bảo hộ rất kỹ khi ra ngoài trời.
- Cần hạn chế tốc độ trong tầm kiểm soát tốt khi qua các khu dân cư, bởi các loại xe lôi, xe tự chế để chở các loại nông sản hoạt động rất nhiều. Các loại xe này thường cồng kềnh và rất khó kiểm soát khi gặp tình huống bất ngờ, nên các phương tiện khác tốt nhất là phòng thủ và giữ khoảng cách an toàn.
Xem thêm >
Theo Bảo Ngọc (AutocarVN)
Du lịch, GO!