(VnExpress) - Trên núi là bầu không khí mát mẻ, trong lành, dưới chân là dòng nước trong xanh như ngọc, chừng ấy là đủ để du khách tìm về danh thắng bậc nhất Thái Nguyên.
< Đứng từ trên đỉnh núi nhìn xuống làng mạc phủ sương.
Nhắc đến Thái Nguyên chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những đồi chè xanh mướt hay hồ Núi Cốc với biết bao huyền thoại. Ít ai biết rằng, ở mảnh đất gang thép anh hùng cũng tồn tại những hang động nhũ đá tuyệt đẹp làm nao lòng du khách gần xa, trong đó phải kể đến núi Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
Theo quốc lộ 3 từ Hà Nội lên thành phố Thái Nguyên, bạn đi tiếp dọc quốc lộ 1B thêm khoảng 45 km nữa. Trong cơn gió đầu đông se lạnh bạn sẽ thấy hai bên đường, những con phố đông đúc và nhà cao tầng dần được thay thế bằng những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc. Không còn những hàng quán tấp nập mà chỉ là núi đá bao quanh, cứ thế con đường thẳng tắp xuyên qua thung lũng, thấp thoáng những bông hoa vàng cuối vụ.
Tới chân núi Phượng Hoàng, bạn tiếp tục leo những bậc đá uốn lượn theo vách núi. Tuy chỉ dài chưa đầy một cây số nhưng con đường đá này sẽ ngốn của bạn không ít sức lực vì địa hình dốc ngược. Dừng chân nghỉ lại lưng chừng núi, đưa ánh nhìn xuống phía dưới xa xa, bạn sẽ thấy những ô ruộng trơ gốc màu nâu mới gặt, đan xen những luống mạ mới gieo màu xanh nõn. Ánh nắng rực rỡ chiếu rọi qua màn sương đông bàng bạc, bao phủ những ô màu như dệt tấm thổ cẩm ở Võ Nhai.
Lối lên hang mở ra càng lúc càng đẹp. Những lớp lá mùa đông trút xuống, phủ đầy đường, khô khốc, để rồi giòn tan khi mỗi bước chân nhẹ lướt qua đây. Cao quá đầu người là những vạt lau dại mọc ven đường, bông to, trắng muốt, đung đưa theo chiều gió. Chẳng mấy chốc mà đã tới cửa hang. Lúc này, mọi mệt mỏi dường như tan biến bởi hơi gió từ cửa hang ùa ra, mang đến bầu không khí vô cùng dễ chịu.
Bước vào trong bạn sẽ thấy vòm hang rộng có 3 tầng, cao nhất là hang Dơi, ở giữa gọi là hang Sáng và cuối cùng là hang Tối. Các nhũ đá trong hang vô cùng bắt mắt với muôn hình vạn trạng khiến người xem thỏa sức liên tưởng theo trí tưởng tượng của mình. Nhưng có lẽ đẹp nhất là những nhũ đá ở trong hang Sáng. Do hội tụ nhiều ánh sáng nhất, cộng hưởng cùng những giọt nước nhỏ xuống từ mái vòm của hang mà những nhũ đá ở đây có vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.
Trong không gian rộng lớn, tràn ngập ánh sáng mặt trời chiếu rọi từ ba cửa hang phía trước, trên trần, nhũ đá buông rèm lấp lánh, tí tách tiếng nhạc nước trong veo, bạn sẽ ngỡ như đang lạc giữa một cung điện xa hoa, lộng lẫy không vướng chút bụi trần. Trái ngược với khung cảnh thần tiên, diễm lệ của hang Sáng là không gian âm u, đầy ma mị của hang Tối, với những cột đá hình thù kỳ quái, không ánh sáng mặt trời. Một chút sợ hãi xâm lấn tâm trí nhưng vẫn đủ để bạn nhận ra vẻ đẹp kiêu hùng của nhũ đá sừng sững như sóng cuộn.
Ra khỏi cửa hang tiếp tục hành trình khám phá, bạn xuôi theo từng phiến đá dưới tán rừng để đến suối Mỏ Gà, nằm dưới chân núi Phượng Hoàng. Khi đã leo núi cả ngày trời thì khi lội xuống lòng suối mát lạnh với vô vàn viên đá cuội nhẵn tròn, đôi chân của bạn sẽ như được vuốt ve, thư giãn. Điều thích thú là dòng suối vốn chỉ cao ngang đầu gối, nhưng lại có một vũng sâu, nước trong có thể bơi vào những ngày nắng ấm.
Nếu thích khám phá, bạn có thể leo lên hang Mỏ Gà, nơi dòng suối chảy ra. Hang không rộng nhưng sâu hun hút và lúc nào cũng mát rượi. Vì hang tối nên bạn sẽ phải dùng đèn pin để khám phá bên trong.
Quanh núi Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà hiện chỉ có các dịch vụ giải khát, vì vậy nếu đi về trong ngày bạn nên chuẩn bị đồ ăn. Tuy vậy, ở đây cũng có một số phòng trọ đơn sơ và nhà sàn để phục vụ khách nghỉ lại qua đêm. Do đó, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn bản địa và nhâm nhi chút rượu nếp ấm lòng.
Xem thêm >
Theo Vy An (VnExpress)
Du lịch, GO!
Tháng 4 và hành trình khám phá núi Phượng Hoàng