Rủ nhau ăn năn!

(SGTT) - Thứ cỏ, một thời gây ám ảnh về những vụ mùa thất bát của nhà nông, miệt tây sông Hậu, nay đã lên hàng đặc sản. Hỏi anh Cao Trung Kiên, thổ địa ở đây, có thường ăn năn không. Anh nói tỉnh bơ: “Ít tui không ăn. Nhiều tui mới ăn!”

Ngon chân phương

Cây cỏ năn (Eleocharis) thuộc họ cói, thường mọc ở những vùng đất phèn trũng. Khu vực tây Nam bộ, nó có mặt nhiều ở Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Phổ biến, có hai loại năn: kim (thân nhỏ) và bộp hay tượng, lớn bằng đầu đũa. Loại sau, có thể ăn tươi hoặc làm dưa chua đều ngon lạ.

Món trước tiên là trộn gỏi với gà ta thả rong. Thịt gà ngọt thơm, còn rau năn ngọt thuần phác, càng ăn càng ghiền. Kế nữa là món lẩu mắm thập cẩm, nhúng nhiều rau dại đồng bưng như bông súng, đọt choại... Tất nhiên, không thể thiếu đọt năn.

Dân sành ăn ở xứ Dạ cổ hoài lang quả quyết rằng, thiếu thứ rau chân dính phèn ấy, cặp đôi rau – mắm sẽ bớt nồng nàn ngay!

Mùa mưa, dân bản địa ở Bạc Liêu hoặc Sóc Trăng thường rủ nhau đi “bứt đọt năn”. Đặc biệt ở chỗ, ý họ đang nói đến phần gốc năn, dài khoảng 2 – 3 lóng tay, non trong, kiểu như khai thác cây bồn bồn.

Thoạt nhìn, đoạn này vàng sậm màu phèn. Thế nhưng, lột bỏ lớp vỏ xấu xí bên ngoài, sẽ lộ ra một màu trắng nõn nà, tựa trứng gà bóc. Nhai thử, rau có vị ngòn ngọt, thoảng mùi ngai ngái của phèn mặn và khói đốt đồng.

Gặp thời rau dại đang lên ngôi, nên nhiều nông dân nghĩ ra cách dưỡng thứ rau giàu phong vị đồng quê này, nhằm tìm lối thoát thay cây lúa.

Nhiều triển vọng cho... ăn năn

Theo ông Trần Văn Mành ở ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, ăn chắc lời 20 triệu đồng/mẫu ruộng năn bộp. Chưa kể, số cá đồng tụ tập, cũng bỏ túi thêm từ 10 – 15 triệu đồng/năm. Do vậy, ông Mành “sống khoẻ” từ năm 2008 đến nay, nhờ 2 hecta cỏ năn. Trước đó, ông sạ lúa Tài Nguyên, 1 vụ/năm; “lỗ sặc máu”, ông nói.

Cách dưỡng năn khá đơn giản: giữ đủ nước và 3 – 4 tháng rải khoảng 100kg phân chuồng hoai mục mỗi hecta. Cứ vậy, chủ ruộng ăn năn dài dài, từ tháng 5 âm lịch đến tết Nguyên đán.

Sang mùa khô, năn gửi củ lại trong đất, đợi sa mưa, chúng lại đâm chồi. Củ năn rang vừa chín, là món ăn chơi ưa thích của dân Cửu Long, khoảng 30 – 40 năm trước.

Cũng ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng còn có mô hình 1 vụ năn + 1 vụ lúa. Từ tháng 4 đến giữa hoặc cuối tháng 10 âm lịch năn giành chỗ trên đồng ruộng. Sau đó, mới tới phiên lúa Tài Nguyên mọc. Tổng diện tích vùng này khoảng 60 – 70ha, theo phòng kinh tế huyện này.

Tương tự, một phần của cánh đồng Chó Ngáp thuộc hai huyện Hồng Dân và Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, đã có nhiều hộ chuyên canh năn hoặc để nó mọc xôi đậu cùng cây lúa.

Bên cạnh đó, kỹ sư Trần Minh Thành, chuyên nghiên cứu về phân vi sinh, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM nhận định: “Cỏ năn giúp giải độc nước, hút chất bài tiết từ tôm hiệu quả và cho bã hữu cơ tạo chuỗi vi sinh có lợi, trong mô hình nuôi tôm sạch”. Với năn (spikerush) tám tuần tuổi, theo một nghiên cứu của đại học Florida, giàu sắt và đặc biệt là kẽm, đến 16 tuần tuổi, sắt và kẽm giảm mạnh.

Theo Tấn Tới (Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch, GO!