(SGTT) - Vào mùa nước lũ từ tháng 8 cho đến cuối tháng 11, ở đồng bằng sông Cửu Long, cá tôm trong môi trường thiên nhiên phong phú, nhiều vô kể. Ngoài đặc sản cá linh nổi tiếng cùng với cá rô, cá lóc, rùa rắn, cua ốc phổ biến; còn một loại “nhà nghèo” dễ kiếm: tép trấu, còn gọi là tép mòng, tép rêu, tép rong.
Tháng 9, mưa dầm sùi sụt, trời âm u suốt ngày, khiến tôi chợt nhớ thuở còn bé dưới quê miền Tây. Mẹ và chị tôi cùng một tay lưới mùng mắt nhỏ, đội nón lá, ra đồng nước ngập trắng xoá sau nhà kéo lưới bắt cá đồng và tép trấu.
Chỉ chừng hai tiếng, mẹ và chị về với một thau cá trắng (loại cá nhỏ) và rất nhiều tép trấu. Tép trấu thường dính trong rong rác, cả nhà xúm xít nhau lựa sạch cá, tép. Tép trấu chiên bột ăn với bún, cải xanh, rau sống như bánh cống, bánh xèo là món ngon dân dã, độc đáo mà người thị thành ăn còn phải mắc mê!
Gạo cũ ngâm nước chừng hai giờ đồng hồ, xay bằng cối đá với độ đậm đặc giống như bột chiên bánh xèo. Pha loãng thêm bột mì tinh với tỷ lệ 6/4. Đập thêm hai trứng vịt khuấy đều (bỏ lòng trắng). Rồi tép trấu, hành lá xắt hột lựu, hành tím xắt nhuyễn, muối, đường, hạt nêm, trộn đều trong bột.
Bắc chảo dầu lên bếp phi hành tỏi, dùng muỗng to múc hỗn hợp bột có lẫn tép chuồi nhẹ vào chảo. Khi thấy bánh bột trở màu vàng rơm lên hương thơm là chín. Làm nước mắm chua bằng ớt sừng trâu chín đâm nhuyễn với tỏi, giấm hoặc chanh pha với mắm ngon và nước ấm, nêm ít đường cho vừa ăn.
Bún xé ra lọn nhỏ đơm vào tô trộn với rau sống, dưa leo băm. Nếu có củ cải trắng, càrốt sắt sợi thì càng hay. Sau cùng, rắc đậu phộng đập vỡ, rưới nước mắm chua ngọt lên trộn đều, vừa “lua” vừa cắn miếng bánh bột chiên tép trấu – nó giòn rụm mới cảm nhận hết các hương vị thơm ngon của sản vật mùa lũ. Nhất là mùa mưa, lũ tràn về, tép trấu, tép mòng, tép riu loi nhoi, bọt bèo nhưng cũng đã làm nên những hoài niệm khó phai…
Theo Việt Đặng (Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch, GO!